Khi Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế từ cộng sản sang tư bản vào những năm 1980, nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo túng.
Tuy nhiên hiện nay, những thỏa thuận thương mại mới có thể đe dọa các nông dân Việt Nam hiện đang cứu xét việc sử dụng hạt giống biến đổi gien để có thể cạnh tranh với các nước khác.
Người dân Việt Nam tin là hóa chất diệt cỏ Màu Da cam được dùng để khai quang trong chiến tranh Việt Nam vẫn còn tồn tại trong nước, đất và gien của những trẻ sơ sanh 40 năm sau chiến tranh chấm dứt.
Bà Dương Thị Thanh Hà nói đó là lý do tại sao bà không tha thứ cho hai công ty hóa chất Monsanto và Dow.
Ngày nay, hai công ty này bán các sản phẩm biến đổi gien gọi tắt là GMO. Bà Hà không muốn Monsanto và Dow bán những sản phẩm của công ty tại Việt Nam.
Bà nói: “Chúng tôi không tin họ bởi vì họ đã chế tạo hóa chất Màu Da cam để giết người dân Việt Nam chúng tôi. Chẳng có công ty nào ngỏ lời xin lỗi cả. Do đó chúng tôi rất nghi ngờ. Họ không phải là người tốt. Vậy làm thế nào họ có thể chế tạo những sản phẩm tốt cho con người?”
Sự oán giận có từ nhiều thập niên nay làm tăng thêm sự sôi động sẵn có của những cuộc tranh luận giữa lúc Việt Nam đang cứu xét sử dụng GMO trên những cánh đồng. Nông dân là thành phần nồng cốt để biến đổi quốc gia cộng sản này thành một nước xuất khẩu có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mức thu hoạch các mùa vụ đã chựng lại, và nông dân không biết có thể cạnh tranh được với các nông dân nước ngoài khi những thỏa thuận mậu dịch tự do bắt đầu có hiệu lực.
Tăng năng suất
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Hạt giống Việt Nam nói GMO có thể giúp cho nông nghiệp Việt Nam. Ông tin là gieo trồng hạt giống biến đổi gien có thể giúp tăng năng xuất để Việt Nam có thể trở thành tự túc được. Tuy nhiên ông muốn các nông dân cũng cần nhìn xa hơn GMO và chấp nhận những phương pháp canh tác công nghệ cao để có thể cạnh tranh được.
Ông nói: “Nâng cạnh tranh thì công nghệ chưa cao, nguồn nhân lực chưa tốt, vốn chưa cao thì lại phụ thuộc hòan toàn với họ, chưa đủ sức cạnh tranh, và muốn đủ sức cạnh tranh thì phải hợp tác với quốc tế, lấy những công nghệ cao của thế giới vào.”
Người tiêu dùng không biết chắc phải làm gì với hạt giống được biến đổi gien trong phòng thí nghiệm. Ông Chung Hoàng Chương nói ông nghi ngờ là tất cả những số tiền các công ty GMO chi tiêu được dùng để vận động các chính trị gia. Ông cũng lo ngại về những nguy cơ-đối với sức khỏe của ông, và đối với môi trường.
Ông nói: “Bằng cách đưa các loại hạt giống biến đổi gien vào nông nghiệp, liệu việc này có tốt cho sức khỏe người dân Việt Nam hay không? Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là những loại cây này, khi đưa vào môi trường sinh thái mới, liệu chúng có chèn ép các loại thực vật cận nhiệt đới, bình thường, tự nhiên của Việt Nam hay không?”
Ông nói: “Bằng cách đưa các loại hạt giống biến đổi gien vào nông nghiệp, liệu việc này có tốt cho sức khỏe người dân Việt Nam hay không? Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là những loại cây này, khi đưa vào môi trường sinh thái mới, liệu chúng có chèn ép các loại thực vật cận nhiệt đới, bình thường, tự nhiên của Việt Nam hay không?”Một người tiêu dùng tên là Chung Hoàng Dương nói.
Vào tháng 7 năm nay, Trung tâm Nghiên cứu Pew tại Mỹ cho biết đã thăm dò Hiệp hội Hoa Kỳ về sự Tiến bộ của Khoa học về GMO và thấy được rằng 88% các nhà khoa học xem thực phẩm biến đổi gien an toàn so với 37% ý kiến đồng ý của người lớn tại Mỹ.
Bà Nguyễn Phương Thảo, dạy về công nghệ sinh học tại Trường đại học Quốc gia Việt Nam và đã nghiên cứu về GMO trong 18 năm, đồng ý với các nhà khoa học khác.
Bà nói: “Nghiên cứu của tôi, nhiều cuộc nghiên cứu khác cho thấy là ngoài các mặt tốt của GMO, chúng ta cũng chú trọng đến tác dụng phụ của GMO. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy GMO gây nguy hại cho sức khỏe của thú vật và người.”
Bà Thảo nói GMO cũng không làm tổn hại đến môi trường. Trái lại bà tin GMO sẽ giúp Việt Nam vượt qua được biến đổi khí hậu. Một số hạt giống biến đổi gien có thể chịu đựng được lũ lụt hay hạn hán là những mối đe dọa có thể gia tăng tại Việt Nam nếu biến đổi khí hậu trở nên tệ hại hơn.
Bà nói thêm: “Hiện nay biến đổi khí hậu không nghiêm trọng, nhưng trong 30 năm tới, chúng ta chắc chắn cần những loại hoa màu chịu được hạn hán hay những mùa vụ biến đổi gien. Vào lúc đó các mùa vụ bình thường không áp dụng được cho Việt Nam cũng như các nước khác.”
Với bờ biển dài dọc theo Biển Đông, Việt Nam được xem như là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu.
Yếu tố này sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trong việc quyết định làm thế nào tiến hành sử dụng GMO.