Một nhà báo đã đóng góp vào một bài phóng sự tiết lộ lãnh đạo đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh đã nhận những khoản tiền trả bí mật từ tay của một công ty Úc, cho biết là câu chuyện bắt đầu từ một tin báo vô danh mà toán công tác của ông nhận được hôm Chủ Nhật tuần trước.
Trong bài phóng sự phổ biến hôm thứ Tư, một toán điều tra phóng sự gồm ba người thuộc tập đoàn truyền thông Fairfax của Úc cho biết ông Lương đã bí mật nhận được một số khoản tiền trả không được tiết lộ, trị giá 6,5 triệu USD từ công ty kỹ thuật UGL của Úc trong hai năm, từ khi ông lên nhậm chức. Bài báo cho biết những phát hiện này được dựa trên một hợp đồng bị tiết lộ giữa ông Lương và công ty UGL, ký nhiều tháng trước khi ông Lương trở thành Trưởng quan Hành chính Hồng Kông.
Phát hiện đáng ngạc nhiên
Một trong các tác giả, John Garnaut, một chủ biên đặc trách châu Á - Thái Bình Dương của nhật báo Sydney Morning Herald và tờ The Age ở Melbourne, nói với VOA rằng toán của ông đã nhận được tài liệu này một cách hoàn toàn bất ngờ - từ một nguồn tin giấu tên hôm chủ nhật tuần trước.
Nhà báo Garnaut từ chối, không suy đoán về người đã cung cấp một bản sao của hợp đồng trong cuộc. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng thời điểm tin được tiết lộ rất đáng chú ý, vì xảy ra giữa lúc một chiến dịch bất tuân dân sự chưa từng có do các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ thực hiện đã bước sang ngày thứ tám, và làm tê liệt các đường phố chính của Hồng Kông, đòi ông Lương từ chức.
Ông Garnaut nói: "Bất kỳ thông tin nào gây tổn hại cho ông Lương cũng đều đáng chú ý về phương diện tin tức. Tôi không tranh luận với điều đó".
Văn phòng Trưởng quan hành chính Hồng Kông đã gửi tới Fairfax Media một bản tuyên bố, khẳng định rằng chiếu theo luật pháp Hồng Kông, không có gì là bất hợp pháp về các món tiền thanh toán và ông không bị ràng buộc về mặt pháp lý phải khai ra các món tiền ấy.
Bản tuyên bố cho biết các khoản tiền đó chỉ liên quan tới việc làm cũ của ông Lương, chứ không liên hệ gì tới bất kỳ dịch vụ nào trong tương lai.
Công ty UGL cũng ra thông báo hôm thứ Năm, bênh vực hợp đồng với ông Lương Chấn Anh. Công ty này nói đây là một thỏa thuận kinh doanh thường tình khi UGL mua lại công ty con của DTZ Holdings, công ty cũ của ông Lương Chấn Anh.
Theo thỏa thuận, ông Lương đồng ý sẽ tư vấn kinh doanh cho UGL từ tháng 12 năm 2011, khi công ty Úc mua lại DTZ, một công ty của Anh chuyên cung cấp các dịch vụ về bất động sản. Ông Lương từng là một nhà quản lý cấp cao của công ty bị vỡ nợ, cho tới khi ông từ chức 10 ngày trước khi UGL tiếp quản công ty.
Ông Lương tuyên bố ra tranh chức Trưởng quan Hành chính Hong Kong vào ngày 27 tháng 11, năm 2011. Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy là ông đồng ý nhận các khoản tiền trả từ UGL 5 ngày sau đó, vào ngày 2 tháng 12.
Kiểm tra các sự kiện
Nhà báo Garnaut mô tả những thách thức mà ông và các đồng nghiệp phải đối mặt khi tìm cách yêu cầu văn phòng của ông Lương xác minh tính xác thực của hợp đồng.
Nhà báo nói: "Như bạn có thể tưởng tượng, chúng tôi đã phải leo thang các câu hỏi của mình cho tới khi chúng tôi nhận được một số thư từ pháp lý với những lời lẽ giận dữ từ văn phòng của ông Lương, thừa nhận đã nhận được những câu hỏi của chúng tôi, và đe dọa sẽ đưa chúng tôi ra tòa, nếu chúng tôi công bố bất cứ điều gì. Trong quá trình đó, chúng tôi đã xác nhận rằng ông Lương đã nhận được các khoản tiền thanh toán đó."
Bài phóng sự của Fairfax Media cho biết công ty UGL đã thanh toán các món tiền liên hệ theo hai lần trong năm 2012 và 2013, sau khi ông Lương Chấn Anh đã trở thành quan chức cao cấp nhất của Hồng Kông vào tháng Bảy năm 2012.
Nhà báo Garnaut cho biết công ty UGL tương đối tỏ ra hợp tác hơn đối với toán phóng sự điều tra của ông.
Nhà báo Garnaut nói: "Điều nhanh chóng trở nên rõ rệt đối với họ là chúng tôi rất nghiêm túc và ở đây phải thừa nhận rằng họ đã có hành xử đúng đắn, họ cho các luật sư của công ty duyệt lại tất cả những gì mà công ty đã làm - có liên quan tới ông Lương, và cuối cùng, họ tỏ ra khá cởi mở trong việc giải thích thỏa thuận đó đã được dàn xếp như thế nào."
Hậu quả chính trị
Các nhà lập pháp thân dân chủ của Hồng Kông đã phản ứng giận dữ trước những tin được tiết lộ vào chiều tối thứ Tư. Một số nhà lập pháp tố cáo ông Lương Chấn Anh là đã phản bội lòng tin, và nhiều người khác cảnh báo họ sẽ vận động để luận tội ông.
Giáo sư môn quan hệ quốc tế Martin Flaherty của Đại học Princeton nói việc tiết lộ tài liệu này dường như là nhằm mục đích gây thêm áp lực đối với ông Lương.
Giaó sư Flaherty nói: "Người ta đang tự hỏi liệu đây có phải là khởi đầu của một phương cách nhằm giữ thể diện khi buộc ông Lương từ chức hay đẩy ông ra khỏi chức vụ hiện tại, chứ không phải là một sự đáp ứng tức thời trước yêu sách của giới sinh viên đòi ông Lương từ chức, nhưng là một cách gián tiếp để thỏa mãn đòi hỏi ấy.”
Ông Jerome Cohen, Giáo sư luật tại Đại học New York, một chuyên gia về hệ thống pháp luật của Trung Quốc, cho biết điều tra những tình huống quanh các khoản tiền bí mật trả cho ông Lương, có thể cần thời gian.
Ông Cohen nhận định rằng: "Tuy nhiên, điều này cũng sẽ là một lý do tuyệt vời để loại bỏ các giám đốc điều hành tại một thời điểm khi (cấp trên của mình trong) được Bắc Kinh nhấn mạnh nhu cầu trên toàn quốc để chống tham nhũng."
Tuần trước, Trưởng quan hành chính Hồng Kông khước từ những lời kêu gọi của những người biểu tình đòi ông từ chức. Trong một tuyên bố với các phóng viên, ông nói ông phải tiếp tục làm việc để bảo đảm cơ quan lập pháp phê chuẩn các cải cách nhằm mang lại cho mọi công dân Hồng Kông cơ hội đầu tiên từ trước tới nay, được bỏ phiếu để chọn người lãnh đạo của họ trong cuộc bầu cử năm 2017.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đã bác bỏ nghị quyết ngày 31 tháng 8 của Bắc Kinh, quy định rằng các ứng cử viên ra dự tranh để giành chức Trưởng Quan Hành chính trong cuộc bầu cử năm 2017, phải được sự phê chuẩn của một ủy ban đề cử, phần lớn gồm những nhân vật thân Bắc Kinh,
Các nhà lập pháp thân dân chủ đã thề sẽ dùng quyền phủ quyết của họ để ngăn chặn việc thông qua bất kỳ biện pháp cải cách nào được ông Lương ủng hộ mà phù hợp với quy định của Bắc Kinh.
Tương lai: ông Lương sẽ đi theo hướng nào?
Nhà báo Garnaut nói lãnh đạo Hồng Kông đang bị kẹt giữa các quan điểm trái chiều của hai chủ nhân ông "hoàn toàn khác nhau".
Ông Garnaut nói: "Một trong hai chủ nhân ông đó là Bắc Kinh, chủ yếu chỉ quan tâm tới sự trung thành, hoạt động theo kiểu cách mạng xưa cũ, khi tất cả mọi sự đều liên quan tới bảo trợ, những bí mật và những giao dịch tiền bạc bất chính."
Cùng lúc, theo nhà báo: "Ông Lương phải đối mặt với người dân Hồng Kông, là một xã hội dân chủ đa nguyên, muốn được đại diện một cách công khai, và đòi các chính trị gia phải trả lời những câu hỏi của họ."
Nhà báo Garnaut nói mỗi khi ông Lương Chấn Anh chọn giải pháp thỏa mãn Bắc Kinh, ông lại làm tổn hại uy tín của ông trước con mắt công chúng Hồng Kông.
Nhà báo nói: "Thế cho nên tôi nghĩ rằng đây thực sự là câu chuyện về những mâu thuẫn của Hồng Kông, và những sự mâu thuẫn này ngày chỉ càng lớn hơn nữa với thời gian."
Bài phóng sự này còn có sự đóng góp của Jim Stevenson và Sarah Williams.