Đường dẫn truy cập

Sinh viên Hong Kong không nao núng trước các vụ tấn công mạng


Sinh viên biểu tình cung cấp dịch vụ sạc điện thoại miễn phí ngay giữa trung tâm thương mại, một điểm nay được đặt tên là 'Charging Corner,' hay 'Góc sạc pin.'
Sinh viên biểu tình cung cấp dịch vụ sạc điện thoại miễn phí ngay giữa trung tâm thương mại, một điểm nay được đặt tên là 'Charging Corner,' hay 'Góc sạc pin.'

Vào lúc phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong kéo dài qua tuần lễ thứ nhì, một số bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy nhà cầm quyền Hong Kong và Trung Quốc đang quay ra đào bới các dữ liệu để tìm cách ngăn chặn các nhà hoạt động trẻ tuổi.

Tại cổng vào trạm xe điện ngầm Admiralty của Hong Kong, ngay giữa quận thương mại, một điểm nay được đặt tên là “Charging Corner,” hay "góc sạc pin,” là nơi tám nhà hoạt động xếp hàng có thứ tự, mỗi người nắm trong tay một điện thoại di động.

Một số các nhà vận động này đã ở ngoài đường hơn một tuần lễ không có điện, nhưng điện thoại thông minh của họ vẫn được “sạc” đầy. Những người hoạt động bỏ máy điện thoại ở đây để sạc pin trên một thiết bị USB độc đáo do anh Sirius Lee 22 tuổi chế ra.

Sinh viên ngành y tế công cộng này ngồi giữa một đống dây huỳnh quang, biểu diễn hệ thống sạc 80 cái điện thoại mà chỉ cần đến một ổ cắm điện.

“Mỗi sợi dây cáp và ổ cắm đều được đánh số. Chúng tôi nói cho họ biết họ đang sử dụng ổ nào, và khi họ trở lại, họ nói cho chúng tôi biết và chúng tôi kiểm chứng bằng cách tra lại số điện thoại. Đó là sự tin tưởng lẫn nhau – mặc dầu điện thoại của họ đầy các dữ liệu như hình ảnh và sổ liên lạc…”

Có tới 500 người hàng ngày sử dụng dịch vụ miễn phí này.

Đối với những người chống đối biểu tình, các máy điện thoại cầm tay này tiêu biểu cho thông tin có giá trị, với tên tuổi, địa chỉ và thông tin về phong trào biểu tình tổ chức và động viên những người theo phong trào ra sao.

Tuần này, đài VOA đã tường thuật về cách thức phần mềm có mục đích xấu (xâm nhập hoặc phá hủy dữ liệu trên máy tính) được Trung Quốc thảo chương để đánh cắp dữ liệu từ các sản phẩm Android và Apple ở Hong Kong ra sao.

Nhà lập pháp Charles Mok, đại diện cho khu vực kỹ thuật thông tin địa phương, nói việc khai triển các loại virut và Trojan có thể được nhà nước bảo trợ.

“Tôi được các chuyên gia an ninh của chúng tôi cho biết là nó rất tinh vi. Và mọi người đã từng có khuynh hướng sử dụng từ 'tấn công được nhà nước bảo trợ'…”

Hacker được nhà nước bảo trợ ở Trung Quốc đã trở thành một nguồn gây căng thẳng với Washington và tuần này giám đốc cơ quan FBI nói Bắc Kinh “đứng đầu danh sách” các nước sử dụng các chiến thuật như thế để tấn công các tổng công ty và các cơ quan chính phủ.

Trung Quốc đã cáo buộc Washington cũng làm như thế.

Ngay cả các ứng dụng dữ liệu không phải của Trung Quốc dường như cũng được Bắc Kinh sử dụng để phá hoại chiến dịch đòi dân chủ ở Hong Kong. Hôm chủ nhật, truyền thông địa phương tường thuật giới lao động trẻ người Hong Kong đang được đề nghị 65 đôla qua Whatsapp, để gây rối tại các địa điểm biểu tình. Các khoản tiền đó được truy nguyên là những nguồn tin có liên hệ với Bắc Kinh, theo báo South China Morning Post.

Cũng gây quan ngại cho ông Mok là sự kiện các cảnh sát viên Hong Kong đã tịch thu điện thoại của người biểu tình khi họ bị bắt, trong đó có một máy thuộc quyền sở hữu của lãnh tụ sinh viên Joshua Wong.

Các máy này chưa được trả lại. Một lần nữa, ông Mok lo ngại rằng đây là một biện pháp được nhà nước cho phép để tiếp cận các dữ liệu cá nhân nhạy cảm về người biểu tình và các mạng lưới của họ.

“Chúng tôi rất bất bình. Luật sư của chúng tôi đang tìm cách tính ra các cách để xem chúng tôi có thể ngăn cản cảnh sát làm như thế này trong tương lai.”

Ông khuyên các sinh viên có thể bị bắt mang theo điện thoại di động hãy phá bỏ máy của mình.

“Hãy lấy ra những bộ phận có thể tháo gỡ. Yêu cầu họ để vào những thùng riêng để chúng có thể trở thành những tang vật mà theo luật, không thể ráp trở lại với nhau.”

Nhiều nhà hoạt động tin rằng các cú điện thoại của họ vốn đã bị theo dõi. Nhưng kỹ sư nhu liệu Karen Chung 28 tuổi nói họ sẽ không từ bỏ lý tưởng của họ chỉ vì những sự lo ngại như thế.

“Tôi nghĩ trao đổi thông tin kỹ thuật số trong khu vực này là rất nguy hiểm. Tôi không cài đặt ứng dụng nào có gốc Trung Quốc nhưng dĩ nhiên, tôi rất tức giận.”

Một số tay hacker đang chống lại nhà cầm quyền Hong Kong. Tuần trước, nhóm hoạt động “Vô danh” loan báo một chiến dịch nhắm vào chính quyền Hong Kong để trả đũa cho việc đối xử với những người biểu tình đòi dân chủ. Tuần này, cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 5 người bị nghi là các tay hacker địa phương bị tố cáo về những vụ tấn công mạng chống lại các trang web của chính quyền Hong Kong.

Xem trực tiếp biểu tình ở Hong Kong:

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG