Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 2/6 tung ra lời cảnh cáo nghiêm khắc đến Mỹ giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những căng thẳng trên Biển Đông và xung quanh Đài Loan đang tiếp diễn. Ông nói rằng nước ông sẽ không để bị nước khác làm hại hay chia rẽ.
Phát biểu tại đối thoại thường niên Shangri-La ở Singapore về các vấn đề an ninh và quốc phòng, ông Ngụy nói rằng Bắc Kinh sẽ ‘không để mất một tấc đất lãnh thổ nào’ và ‘bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài chắc chắn sẽ thất bại’.
Ông nêu ra một loạt vấn đề tranh chấp với Mỹ, từ Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương, Thiên An Môn cho đến thương mại, với thái độ cứng rắn rằng Trung Quốc sẽ quyết tâm bảo vệ những lợi ích quan trọng của mình.
Bài phát biểu của ông Ngụy được một số báo chí quốc tế nhận định là ‘hung hăng’.Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định rằng ông Ngụy nói như vậy nhưng ‘ngoài cứng trong mềm’ và chủ yếu là thể hiện quyết tâm không lùi bước ‘để người dân Trung Quốc ở trong nước xem’.
‘Đừng hòng bắt nạt’
Về vấn đề Đài Loan, ông đã nêu đích danh Đạo luật Quan hệ với Đài Loan mà Mỹ thông qua hồi năm 1979 vốn cho phép Washington cung cấp vũ khí phòng vệ cho chính quyền Đài Loan và sẽ giúp bảo vệ hòn đảo này trong trường hợp bị xâm lược.
“Làm sao mà Mỹ có thể thực thi một đạo luật can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc? Đạo lý nào để làm như vậy?” ông Ngụy chất vấn.
Ông Ngụy cũng dẫn lại trường hợp cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã cố gắng giữ cho nước Mỹ không bị phân rã trong thời Nội chiến. Ông nói: “Không có một quốc gia nào trên thế giới có thể chấp nhận sự ly khai. Nước Mỹ không thể phân ly và Trung Quốc cũng vậy.”
“Trung Quốc chưa bao giờ gây chiến hay gây xung đột với ai, không bao giờ chiếm đất hay xâm lược nước khác,” ông Ngụy nói.
“Nếu ai đó dám chia tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc, quân đội chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác mà sẽ chiến đấu bằng mọi giá.”
Ông Ngụy là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tham dự diễn đàn Shangri-La trong vòng 8 năm qua. Bên cạnh chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông còn là Ủy viên Quốc vụ viện.
“Trung Quốc chưa bao giờ làm hại ai. Chúng tôi cũng không để người khác làm hại hay chia rẽ chúng tôi.”
“Sẽ là cực kỳ nguy hiểm khi đánh giá thấp ý chí và lòng quyết tâm của quân đội Trung Quốc,” ông Ngụy quả quyết.
“Nếu Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc không thể bảo vệ sự thống nhất Tổ quốc thì còn cần quân đội làm chi nữa,” ông nói.
Về vấn đề Biển Đông, ông Ngụy cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay chủ yếu là sự tranh chấp giữa Bắc Kinh và Washington.
“Ai mới là người đe dọa an ninh và ổn định trên Biển Đông?” ông đặt vấn đề và nói rằng ‘những quốc gia bên ngoài khu vực lại đến ‘diễu võ giương oai’ rồi sau đó ‘bỏ đi để lại một mớ hỗn độn phía sau’.
Những hành động đó đã ‘buộc Trung Quốc phải xây dựng các cơ sở quân sự trên các hòn đảo có tranh chấp,’ ông Ngụy nói.
“Khi đối mặt với những tàu chiến và phi cơ trang bị đầy đủ vũ khí thì làm sao mà chúng tôi không xây dựng các cơ sở quốc phòng,” ông nói.
Về vấn đề người Uighur ở Tân Cương, ông Ngụy biện hộ cho việc chính quyền Trung Quốc đưa hàng trăm ngàn người Uighur ở Tân Cương vào các trại cải tạo vì lý do an ninh và kinh tế.
“Chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương là tuyệt đối đúng. Bởi vì trong vòng hơn hai năm qua không xảy ra bất cứ một vụ tấn công khủng bố nào ở Tân Cương. Cuộc sống của người dân địa phương cũng đã cải thiện,” ông nói.
Về cuộc chiến thương mại, ông Ngụy đổ lỗi cho Washington gây ra cuộc chiến này.
“Về xích mích thương mại do Mỹ châm ngòi, nếu Mỹ muốn đối thoại thì chúng tôi sẽ để mở cánh cửa đối thoại. Còn nếu họ muốn đấu thì chúng tôi sẽ đấu tới cùng,” ông nói.
“Muốn bắt nạt chúng tôi sao? Đừng có hòng,” Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói.
Về vụ thảm sát Thiên An Môn tròn 30 năm trước, ông Ngụy gọi cuộc biểu tình của sinh viên vào năm 1989 là ‘nổi loạn’. Các quan chức Trung Quốc rất hiếm khi thừa nhận sự kiện ngày 4/6 năm 1989 và tất cả những sự đề cập đến việc này đều bị kiểm duyệt gắt gao bên trong Trung Quốc.
“Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản đã trải qua nhiều thay đổi – quý vị có nghĩ là chính quyền Trung Quốc đã sai khi xử lý sự kiện ngày 4/6?”
“Đã có kết luận về sự kiện đó. Chính quyền lúc đó đã quyết đoán để chấm dứt nổi loạn.”
Ông gọi các cuộc biểu tình của sinh viên ở Thiên An Môn là ‘hỗn loạn chính trị mà chính quyền trung ương cần phải dập tắt’ và ‘đó là chính sách đúng’.
“Nhờ vào việc này mà Trung Quốc đã có sự ổn định và nếu quý vị đến Trung Quốc quý vị có thể hiểu được.”
‘Thể hiện sự tự tin’
Hoàn Cầu thời báo, tờ báo Trung Quốc nổi tiếng hung hăng với lập trường dân tộc chủ nghĩa, đã khen ngợi bài phát biểu của ông Ngụy là ‘thể hiện sự tự tin tuyệt đối của Trung Quốc và quân đội Trung Quốc’.
Bài phát biểu của ông Ngụy ‘thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Trung Quốc bảo vệ chủ quyền khi ông nhấn mạnh rằng “Trung Quốc sẽ và phải thống nhất (với Đài Loan)”.
Bà Andrea Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ chuyên trách Kiểm soát vũ khí và An ninh Quốc tế, nói rằng những phát biểu của ông Ngụy là ‘nhằm vào khán giả trong nước của Trung Quốc’.
“Cộng đồng quốc tế không ủng hộ lập luận đó,” bà nói với báo chí một vài giờ sau bài phát biểu của ông Ngụy, “Tôi có cảm giác là phát biểu của ông ấy có lẽ là được viết chủ yếu để hướng đến khán giả trong nước của ông ấy.”
“Các chính sách của chúng tôi vẫn không đổi,” bà Thompson được tờ Straits Times dẫn lời nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải, vùng Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương mở và tự do.”
Khi được hỏi chỉ ra điều gì mà bà cho là phát ngôn tích cực nhất của ông Ngụy, bà nói: “Tôi đánh giá cao việc ông ấy có mặt ở đây. Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải đối thoại. Có một số lĩnh vực chúng tôi sẽ có đồng thuận còn trong một số lĩnh vực sẽ bất đồng, nhưng chúng tôi sẽ vẫn đối thoại. Do đó, tôi nghĩ rằng đó là một điều tích cực khi ông ấy quyết định đến tham dự.”
Trao đổi với VOA, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, một trong những học giả gốc Việt được nhiều người biết tiếng chuyên nghiên cứu lịch sử Đông Nam Á, Đông Á, quan hệ châu Á - Mỹ, nhận định rằng bài phát biểu của ông Ngụy là để ‘nói thẳng ra Trung Quốc muốn gì’ và thái độ cứng rắn của ông là để cho ‘Trung Quốc không bị mất mặt với dân chúng trong nước’’.
Theo ông Long, cách làm của ông Ngụy khi đề cập hết mọi vấn đề tranh chấp với Mỹ là cách lật ngửa bài theo kiểu ‘có những chuyện như thế này, bây giờ nếu muốn thương lượng thì thương lượng những chuyện gì’.
“Họ nói thẳng chúng tôi có thể nhượng bộ một số vấn đề nhưng còn các vấn đề khác thì không thể nhượng bộ được (chẳng hạn như Đài Loan),” ông nói.
“Họ biết rằng tính khí ông Trump bộp chộp lúc thế này thế kia nên bây giờ họ làm dữ như vậy để xem ông Trump có nhượng bộ gì hay không,” ông nói thêm.
Ông cũng cho rằng mặc dù bên ngoài ông Ngụy có thái độ cứng rắn như vậy nhưng cũng là ‘che đậy việc họ sẽ phải nhượng bộ với Mỹ’ vì ‘họ không muốn bị mất mặt với dân chúng trong nước’. Cho nên, theo ông Long, Trung Quốc ‘ngoài cứng trong mềm’.
Chẳng hạn như trong vấn đề Đài Loan, dù ông Ngụy nói rằng ‘Trung Quốc sẽ không lùi bước’ nhưng thật ra ý ông ấy là ‘cứ để yên như thế’ và Mỹ ‘đừng có chọc thêm vào’, ông Long phân tích.
“Đây là vấn đề lớn của chúng tôi thì đừng để chúng tôi mất mặt, cứ để yên ở đấy đi rồi chúng ta sẽ giải quyết những chuyện khác,” ông Long diễn giải ý của ông Ngụy Phượng Hòa về Đài Loan.
Còn trong vấn đề thương mại thì ‘trước sau gì hai bên cũng giải quyết’, cũng theo ông Long.
Việc Trung Quốc cử phái đoàn cao cấp nhất trong nhiều năm đến dự Shangri-La là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn tiếng nói của mình có trọng lượng hơn để thế giới lắng nghe, ông Long nói.
Về lập luận của ông Ngụy trong vấn đề Biển Đông, ông Long nói rằng ‘không ai tin’ nhưng ông Ngụy ‘phải nói vậy để được sự ủng hộ của dân chúng Trung Quốc’.
“Trung Quốc cần lưu chuyển hàng hóa trên Biển Đông với hơn 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc là qua eo biển Malacca, nên nếu để Mỹ hoàn toàn bủa vây vùng biển đó thì Trung Quốc sẽ bị thiệt,” ông giải thích. “Cho nên Trung Quốc phải làm vậy ở Biển Đông để đảm bảo an ninh của mình.”
“Tuy nhiên đòi hỏi của Trung Quốc gây mất an ninh cho thế giới. Mặc dù Trung Quốc cố tình nói Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc với Mỹ nhưng các nước khác biết rằng đấy là vấn đề của thế giới và ít nhất là vấn đề của khu vực,” ông nói thêm.
“Cho nên bây giờ Trung Quốc không thể nhắm vào Mỹ mà đổ thừa nữa,” ông nói và cho biết các nước Anh và Pháp cũng đã cho tàu chiến đi qua Biển Đông và bà Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tại Shangri-La cũng ra chiến lược đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Long cho rằng bài diễn văn của ông Ngụy chỉ có tác động phần nào với các nước đông nam Á vốn không muốn chọn phe nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
“Đối với vấn đề Biển Đông, nhiều nước nghĩ là họ phải liên kết chống lại Trung Quốc nhưng còn những chuyện khác như Huawei thì mỗi nước đều có lợi ích riêng chứ không phải nghe theo ông Trump nói gì.”