Đường dẫn truy cập

Trung Quốc xử tử tỉ phú ngành hầm mỏ


Tỉ phú ngành mỏ Lưu Hán (trong hình), cùng với người em và 3 cộng sự viên, đã bị xử tử sáng sớm nay.
Tỉ phú ngành mỏ Lưu Hán (trong hình), cùng với người em và 3 cộng sự viên, đã bị xử tử sáng sớm nay.

Một nhà tỉ phú Trung Quốc đã bị xử tử ngày hôm nay sau khi một tòa án xét thấy bị cáo này can tội giết hại nhiều người và cầm đầu một băng đảng tội phạm kiểu mafia. Theo tường thuật của thông tín viên Shannon van Sant của đài VOA ở Hồng Kông, ông Lưu Hán là một thương gia nổi tiếng có liên hệ với ông Châu Vĩnh Khương, người từng cầm đầu ngành an ninh của chính phủ Trung Quốc và đã bị ngã ngựa trong chiến dịch bài trừ tham nhũng.

Tỉ phú ngành mỏ Lưu Hán, cùng với người em của ông và 3 cộng sự viên, đã bị xử tử sáng sớm hôm nay.

Ông từng tích lũy hàng tỉ đô la khi cầm đầu Tập đoàn Hàn Long, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ở tỉnh Tứ Xuyên. Ông đã đầu tư vào ngành hầm mỏ, điện lực, năng lượng, tài chánh và địa ốc.

Thương gia 48 tuổi này bị tòa xét là đã phạm 13 tội ác, kể cả tội sát nhân, tổ chức đánh bạc, cầm đầu một băng đảng kiểu mafia và mua bán súng ống.

Ông Trình Lập, giáo sư môn Quan hệ Quốc tế của Đại học Hồng Kông, cho rằng vụ hành quyết ông Lưu chứng tỏ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẵn sàng để “bắt những con cọp lớn” trong chiến dịch bài trừ tham nhũng.

"Một thương gia vô cùng giàu có bị xử tử là một sự việc rất đáng kể trong cái nhìn của người dân Trung Quốc. Trong những năm qua, ngày càng có nhiều người ở Trung Quốc tin rằng những tay tài phiệt có thể mua được rất nhiều ảnh hưởng."

Bộ Công an Trung Quốc đã bắt đầu điều tra ông Lưu hồi tháng 3 năm ngoái.

Sau vụ hành quyết ngày hôm nay, hãng tin Tân Hoa của nhà nước Trung Quốc đã cho đăng một bài tường thuật khá dài về quá trình làm giàu của ông Lưu, mà họ cho là dựa vào tham nhũng, hối lộ và giết người. Theo Tân Hoa Xã, có 9 người bị chết dưới tay của những thuộc hạ của ông Lưu, và 5 người trong số đó bị bắn chết.

Tuy nhiên, các nhân vật tranh đấu nhân quyền, như ông William Nee của Hội Ân xá Quốc tế, đã nêu nghi vấn về cuộc điều tra của Trung Quốc nhắm vào ông Lưu Hán và người em của ông này là ông Lưu Duy.

"Tôi nghĩ rằng có những lý do để quan tâm. Ông Lưu Duy phát biểu trước tòa là ông ấy bị tra tấn trong lúc bị thẩm vấn và ông ấy bị đánh đập hàng ngày. Theo luật của Trung Quốc, theo luật hình sự, những bằng chứng có được qua tra tấn phải bị loại bỏ. Nhưng trong vụ này dường như những qui định đó không được tuân hành."

Ông Nee nói rằng cuộc điều tra này nêu lên những câu hỏi có tính chất rộng lớn hơn về chiến dịch bài trừ tham nhũng ở Trung Quốc, trong đó các giới chức chính phủ bị đặt trong tình trạng “song qui”, một hình thức giam cầm ngoài vòng pháp luật, khiến cho người bị giam không thể tiếp xúc với thân nhân, bạn bè, hay luật sư và đôi khi bị tra khảo.

Ông Nee cho biết trong số những người bị nhắm làm mục tiêu của chiến dịch bài trừ tham nhũng, không có một ai có được sự bảo vệ của chết độ pháp trị.

"Sự kiện có quá nhiều người bị điều tra bên ngoài hệ thống tư pháp hình sự chính thức là một mối quan tâm chính, đặc biệt là vì một trong những thành tố cốt lõi của một cuộc xét xử công bằng là có được sự đại diện pháp lý thích đáng."

Tạp chí Tài Tân ở Trung Quốc cho biết ông Lưu Hán có quan hệ làm ăn với ông Châu Bân, con trai của ông Châu Vĩnh Khương, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Ông Châu Vĩnh Khương, người từng cầm đầu các hoạt động bảo vệ an ninh của Trung Quốc, bị giới hữu trách tố cáo vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và đang chờ ngày bị chính thức truy tố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG