Không phải ngày nào bộ trưởng giáo dục của một nước cũng nói về việc cấm các sách giáo khoa và mối đe dọa của các giá trị Tây phương. Nhưng tại Trung Quốc, việc bàn luận như thế đang ngày càng trở nên thông thường hơn.
Mới đây, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc đã khuấy động một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng sau khi kêu gọi cấm chỉ các sách giáo khoa với những giá trị Tây phương gây tai hại. Ông cũng viết về việc các lực lượng thù địch đang thâm nhập vào các trung tâm cao học như thế nào và về mối đe dọa mà Internet đề ra cho Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, các nhận định như vậy nêu bật những mối quan ngại ngày càng tăng trong giới lãnh đạo đảng Cộng sản về sự ổn định và hỗ trợ trong giới trẻ tuổi hơn trong nước.
Nhưng cuộc vận động áp đặt thêm quyền kiểm soát đối với các lớp học đã bắt đầu ngày từ năm 2013, với việc công bố Văn kiện số 9, theo ông Willy Lam, một chuyên gia phân tích chính trị ở Hong Kong. Văn kiện đó ra lệnh cho các giáo viên không được bàn luận về quyền tự do báo chí, xã hội dân sự, tính độc lập của ngành tư pháp và các đề tài khác.
Ông Lâm nói: “Giới lãnh đạo rất lo sợ về một hình thức cách mạng màu diễn ra ở Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là sự xâm nhập các giá trị chính trị Tây phương v..v... kích động giới trí thức và sinh viên trẻ chống đối chế độ Cộng sản.”
Phản ứng trên mạng
Nhưng lần này, khi Bộ trưởng Giáo dục Viên Quý Nhân quyết định bàn về mối đe dọa của các giá trị Tây phương, việc cấm sách giáo khoa và sự phê bình của các nhà lãnh đạo đảng, cũng như về chủ nghĩa xã hội trong lớp học, thì có một phản ứng mạnh trên mạng.
Trên trang Freeweibo.com, một trang web ghi nhận những bài đăng trên mạng xã hội bị kiểm duyệt, bộ trưởng giáo dục đã là đề tài hàng đầu được theo dõi trong nhiều ngày. Nhiều người mau chóng nhận ra rằng ông Viên chính là vị bộ trưởng mà cách đây vài năm đã nói rằng Trung Quốc không cần phải sợ hãi các giá trị Tây phương. Một số đề nghị ông từ chức.
Những người khác nói lý do ông Viên có lập trường đó không phải vì ông hiểu biết về giáo dục, mà là vì ông hiểu biết về chính trị. Trong một bài đăng, một người sử dụng mạng lấy tên là Water Lay lập luận rằng nếu ông Viên có chút trách nhiệm nào, thì ông sẽ từ chức, và nêu ra rằng trong thời kỳ ông giữ chức vụ hiện nay, Trung Quốc đã chứng kiến nhiều vấn đề, kể cả việc hành hạ thể chất học sinh, nhiều tai nạn xe buýt trường và giáo viên đình công vì các vấn đề đền bù.
Trong một bài đăng khác bị kiểm duyệt, học giả về luật Hạ Vệ Phương lập luận rằng dựa vào logic của Bộ trưởng Giáo dục Viên và những quan ngại của ông về các giá trị Tây phương, Trung Quốc nên xem xét việc cấm chỉ mọi hình thức giáo dục ở nước ngoài cho sinh viên học sinh Trung Quốc.
Ông Hạ Vệ Phương biết quá rõ về cái giá mà các giáo viên có thể phải trả khi lên tiếng ở Trung Quốc. Ông là một nhà phê bình xã hội nổi tiếng và là giáo sư luật đã từ trường Đại học Bắc Kinh đi sống lưu vong để làm việc ở Tân Cương sau khi lên tiếng ủng hộ khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba bị cầm tù.
Ông Lưu đang thụ án tù 11 năm về tội âm mưu lật đổ chính quyền sau khi đồng tác giả Hiến chương 08, một tuyên ngôn kêu gọi cải cách dân chủ ở Trung Quốc.
Hoạt động Kiểm duyệt
Nhưng trong khi nhiều người bày tỏ cảm nghĩ về các nhận định của bộ trưởng giáo dục, những bài đăng tiêu cực không trụ lại lâu trên mạng. Giới kiểm duyệt Internet đã có hành động để mau chóng gỡ bỏ những bài đăng chỉ trích và thay thế bằng những bài cổ võ.
Một bài đăng của người sử dụng mạng lấy tên là Giáo viên Đúng đắn 166 ca ngợi ông là đã nêu ra những khuyết điểm và rủi ro mà các cơ sở cao học đang phải đối mặt. Bài đăng này cũng nói thêm rằng bộ trưởng giáo dục góp phần ngăn trở các trường khuyến khích học sinh theo gót các sinh viên biểu tình ở Hong Kong.
Một bài khác nói: Người ta chỉ cần nhìn vào Ukraine hôm nay để hiểu rõ các lực lượng Tây phương âm mưu chống lại Trung Quốc. Chúng ta cần phải lên tiếng và ngăn cản họ gây ảnh hưởng đối với con em chúng ta.
Ông Lam nói các cuộc biểu tình của học sinh sinh viên ở Hong Kong đang gây một tác động.
Ông nói: “Những gì xảy ra ở Hong Kong, đã được xếp loại là một ví dụ của một cuộc cách mạng màu, đã thuyết phục giới lãnh đạo Cộng sản rằng họ phải có nhiều biện pháp hơn để kiểm soát lớp học và theo tôi cả Internet nữa.”
Ông nói thêm rằng nhà cầm quyền Trung Quốc lo sợ rằng Internet có thể góp phần loan truyền điều mà họ coi là các giá trị Tây phương nguy hại và làm tăng thêm hậu thuẫn dành cho các lý tưởng dân chủ Tây phương.
Lạc hậu và lỗi thời
Ông Chương Lập Phàm, một sử gia và bình luận gia xã hội nói hậu quả và bản chất công khai của cuộc tranh luận nêu bật sự cách biệt hiện hữu giữa các lý tưởng của đảng và thực tế tại chỗ ở Trung Quốc, tầm mức rộng lớn của các vấn đề xã hội mà đất nước đang đối diện.
Ông nói, “Đảng thực sự không còn cách nào khác để giải quyết những thách thức như thế và họ vẫn sử dụng đường lối cổ điển là thuyết giảng cho công chúng. Nhưng loại đường lối đó đã quá lỗi thời.”
Đảng thực sự không còn cách nào khác để giải quyết những thách thức như thế và họ vẫn sử dụng đường lối cổ điển là thuyết giảng cho công chúng. Nhưng loại đường lối đó đã quá lỗi thờiÔng Chương Lập Phàm
Mũi tên bắn xa nhất có lẽ xuất phát từ ông Thẩm Khôi, một giáo sư và là cựu phó khoa trưởng trường Luật của Đại học Bắc Kinh, người đã công khai nêu ba câu hỏi trên mạng với bộ trưởng giáo dục. Ông Thẩm đề nghị ông bộ trưởng giải thích sự khác biệt giữa những gì là của Trung Quốc và cái gì là của Tây phương trong thế giới toàn cầu? Làm thế nào người ta có thể phân biệt được giữa việc công kích đảng và phơi bày những bí mật xấu xa của đảng? Và các nhận định của ông bộ trưởng đi ngược ra sao với hiến pháp và nền pháp trị của Trung Quốc.
Để đáp lại, một số người như ông Chu Kế Đông, một học giả nổi tiếng chống Tây phương, gợi ý rằng tất cả những người chỉ trích ông bộ trưởng phải bị nghiêm trị.
Điều lý thú là cả ông Chu lẫn giới truyền thông nhà nước Trung Quốc đều nhận ra việc các nhận định phổ biến trên mạng nhanh chóng và rộng khắp như thế nào. Trong bài phản bác của ông Chu với ông Thẩm Khôi và những người khác đã công khai thách thức ông bộ trưởng, ông nêu ra sự kiện một số lớn các ký giả, luật gia và doanh gia đã tham gia cuộc tấn công.
Sợ hãi giới trẻ
Trước đây trong tuần, đợt công kích thứ nhì của bộ trưởng giáo dục được đưa ra dưới hình thức một bài báo đăng trên tạp chí Cầu Thị, tức là Đi tìm Sự thực. Trong đó, ông Viên đưa lập luận tiến xa thêm, kêu gọi phải tôn trọng những người tán thành các lý tưởng của đảng Cộng sản như chủ nghĩa Mác-xít và đề cập đến các trường học như những tuyến đầu của cuộc chiến tranh chủ nghĩa của Trung Quốc.
Ông Viên cảnh báo rằng các nước khác coi sự phát triển của Trung Quốc như một mối đe dọa và đã xâm nhập vào khối sinh viên và giáo viên của các nước đó để gây chia rẽ. Ông cũng nói Internet là hiểm họa lớn nhất mà đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt, và nói thêm rằng các vấn đề chủ nghĩa phát xuất từ mạng toàn cầu và giới trẻ Trung Quốc là những người sử dụng phương tiện này nhiều nhất.
Ông viết trong tạp chí rằng: “Hiểm họa lớn nhất của đảng cầm quyền là mất đi hậu thuẫn của giới trẻ. Để thắng thế trong tương lai, chúng ta phải tranh thủ giới trẻ Trung Quốc.”
Ông Chương nói điều rõ ràng là các giới chức ở Trung Quốc không hiểu giới trẻ ngày nay, đã lớn lên trong thời đại Internet.
Ông nói: “Giới trẻ ngày nay ở Trung Quốc không giống những người Trung Quốc lớn tuổi lớn lên xem các chương trình tin tức buổi tối của đài truyền hình nhà nước, và bị tẩy não. Khác với những người lớn tuổi hơn, giới trẻ ngày nay và lối suy nghĩ của họ đa dạng hơn nhiều, phóng khoáng hơn nhiều và mang tính sáng tạo.”
Ông Chương nói vì điểm đó mà họ đã phá vỡ cái khung cổ điển mà đảng tìm cách giữ quanh họ và sẽ không để ý, thậm chí còn làm ngơ trước việc sử dụng những mưu toan đó để thuyết giảng cho họ.
Theo ông, và trong khi cuộc vận động có phần chắc sẽ tiếp tục bởi vì các giới chức cảm thấy họ có thể dùng quyền của họ để trấn át giới bất đồng, có phần chắc là việc ấy sẽ không có tác động nào lâu dài.