Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chính thức truy tố cựu trưởng ngành an ninh Chu Vĩnh Khang, từng có thời là một trong những nhân vật chính trị nhiều thế lực nhất Trung Quốc.
Ông Chu là chính trị gia cấp cao nhất bị truy tố trong hơn 3 thập niên và là mẻ lưới lớn nhất tính đến giờ nay trong chiến dịch chống tham nhũng mở rộng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Một thông cáo ngắn gọn về vụ truy tố, đăng ngày hôm nay trên trang web của văn phòng công tố hàng đầu của Trung Quốc, nói rằng các tội trạng của ông Chu về hối lộ, lạm dụng quyền thế và tiết lộ bí mật nhà nước đã kéo dài từ thời ông đứng đầu Tổng công ty Dầu khí Quốc doanh Trung Quốc – một trong những công ty năng lượng lớn nhất thế giới – cho đến khi ông giữ chức vụ cuối cùng là thành viên của ban Chấp hành Trung ương đầy thế lực.
Thông cáo nói những tội trạng mà ông Chu bị cáo buộc là cực kỳ nghiêm trọng và việc ông “lợi dụng quyền thế đã dẫn đến sự thất thoát lớn về công quỹ.” Không kể rõ chi tiết, thông cáo nói thêm rằng các tội trang của ông gây thiệt hại nghiêm trọng cho quyền lợi quốc gia và công cộng và có tác động xã hội rất xấu.
Một tòa án ở thành phố Thiên Tân miền đông bắc cách thủ đô Bắc Kinh không xa, sẽ xử lý vụ việc của ông Chu. Chưa rõ khi nào việc xét xử sẽ bắt đầu hay sẽ công khai đến mức nào cho công chúng, xét về cáo trạng bí mật nhà nước và tính chất nhạy cảm của vụ này.
Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc đã điều tra ông Chu từ cuối năm 2013, và một các cơ quan truyền thông Trung Quốc đã tường thuật ồ ạt về ông. Tin tức xuất hiện về điều được cho là một mạng lưới mở rộng hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp gợi ý về sự can dự của ông. Mạng lưới này rõ ràng len lỏi vào tất cả mọi thứ từ năng lượng đến an ninh, các hệ thống tòa án và tội phạm có tổ chức.
Bản truy tố và các cáo trạng được nêu lên trong thông cáo trên mạng nói rất ít về bạn bè và thân nhân của ông Chu, theo nhận định của nhà theo dõi Trung Quốc kỳ cựu Willy Lam.
Ông Lam nói: “Điểm bất ngờ duy nhất có lẽ là họ đã không đề cập gì đến người con trai của ông hay những thân nhân khác, cũng như những tòng phạm và đồng sự cũ của ông, mà con số có thể lên đến hàng trăm người, cũng là thành viên của băng tham những do ông Chu Vĩnh Khang đứng đầu.”
Nhà bình luận chính trị làm việc ở Bắc Kinh và là một sử gia, ông Chương Lập Phàn nói các cáo trạng dường như đã thu hẹp lại và không thấy đề cập đến việc liệu ông Chu có can dự vào một cuộc tranh chấp chính trị nội bộ cùng với chính trị gia bị bãi chức Bạc Hy Lai hay không. Ông Bạc đã bị kết án tù chung thân về tội tham nhũng và lạm dụng quyền thế trước khi cuộc điều tra ông Chu bắt đầu và ông Bạc được coi là đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình.
Ông Chương Lập Phàn nói “cuộc đảo chính mà có nhiều tin đồn nói là ông Chu dính líu vào dường như đã không được đề cập đến trong bản truy tố. Tội trạng nghiêm trọng nhất mà ông bị cáo buộc là tiết lộ bí mật nhà nước, dường như gợi ý đến khả năng ông đã tiết lộ thông tin cho ông Bạc Hy Lai.”
Thân thế và sự nghiệp của ông Chu Vĩnh Khang
- Tháng 12 năm 1942: Ông Chu Vĩnh Khang sinh tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô
- Tháng 11 năm 1964: Ông trở thành đảng viên của Đảng CS Trung Quốc
- Tháng 3 năm 1998: Ông là bí thư của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc
- Năm 1999: Ông được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh Tứ Xuyên
- Năm 2002: Ông được bổ nhiệm làm ủy viên Bộ Chính trị tại Đại hội đảng 16 rồi trở thành bộ trưởng bộ công an trong cùng một năm
- Năm 2007: Ông tham gia Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quan trọng thuộc đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc
- Năm 2012: Đồng minh chính trị của ông là Bạc Hy Lai bị khai trừ khỏi đảng và bị điều tra
- Tháng 11 năm 2012: Về hưu
- Tháng 12 năm 2013: Con trai ông bị bắt vì tội tham nhũng
- Tháng 12 năm 2014: Ông Chu bị bắt và bị khai trừ khỏi đảng
Ông Chu Vĩnh Khang đã có thời là người đứng đầu ngành an ninh quốc gia phụ trách các cơ quan gián điệp trong nước, một chức vụ giúp ông tiếp cận với thông tin về các chính trị gia cấp cao khác.
Cáo trạng về bí mật nhà nước có phần chắc sẽ tác động đến tính minh bạch của vụ xử và có thể có nghĩa là các phiên xử có thể chỉ được mở một phần cho công chúng, nếu có sự công khai. Các cáo trang cũng có thể giúp che mắt công chúng trước các chi tiết bẩn thỉu có liên quan đến việc đấu đá chính trị trong nội bộ đảng.
Ông Chu là đảng viên cấp cao nhất bị truy tố kể từ sau cuộc Cách mạng Văn hóa khi vợ của ông Mao Trạch Động và “Tứ nhân bang” bị truy tố về tội phản động vào năm 1981 vì đã áp bức các đối thủ chính trị.
Trên mạng truyền thông xã hội ở Trung Quốc, nhiều người đã đề cập đến ông Chu và các giới chức khác đã bị kẹt vào chiến dịch chống tham những là “Tứ nhân bang” tân thời. Trên mạng, có lời đồn rằng ông Chu, ông Bạc và những người khác đang âm mưu hoặc có những bước nào đó để ngăn cản ông Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Trong khi vụ xử có thể rọi một tia sáng vào các chi tiết đó, ông Lam nói có nhiều phần chắc nhất là chúng ta có thể sẽ không bao giờ biết chắc được cáo trạng tiết lộ bí mật nhà nước có nội dung ra sao.
Ông nói: “Tuy nhiên, theo nhiều người ở Bắc Kinh, nó có thể là 1 trong 2 thứ, nó có thể là vụ nghe lén những cuộc điện đàm của các nhà lãnh đạo hàng đầu như Tập Cận Bình hay Hồ Cẩm Đào. Hoặc là thông tin có liên quan đến các hoạt động kinh doanh của thân nhân của một vài thành viên cấp cao trong bộ chính trị.”
Các chuyên gia phân tích cho rằng xét về những tội trạng mà ông Chu bị cáo buộc và về sự kiện chúng kéo dài hơn 2 thập niên, có phần chắc ông có thể bị án tử hình. Nếu ông đã hợp tác với nhà chức trách, thì người ta cho rằng ông có thể lãnh án tử hình và có thể được giảm khinh trong 2 năm, cơ bản sẽ trở thành án tù chung thân.