Có ít nhất 74 người vẫn còn mất tích sau khi vụ sạt lở đất lớn tại miền nam Trung Quốc chôn vùi mấy chục tòa nhà dưới 10 mét bùn lầy và đổ nát. Cho đến nay có 2 người được xác nhận đã chết, nhưng vào sáng hôm 23 tháng 12, nhân viên tiếp cứu tìm thấy 1 người sống sót đã tìm cách thoát chết trong khoảng 67 tiếng đồng hồ.
Một trường hợp sống sót kỳ diệu
Đó là anh Điền Trạch Minh, 21 tuổi, một công nhân di trú từ Trùng Khánh. Nhân viên cứu hộ tại hiện trường ở Thẩm Quyến phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ để lôi anh Điền ra khỏi đống đổ nát. Các bác sĩ cho biết anh bị nhiều vết thương ở xương và thịt, nhưng tình trạng của anh đã ổn định sau cuộc phẫu thuật dài 3 tiếng đồng hồ.
Nhiều người khác có thể không gặp may mắn như anh Điền trong khi hàng ngàn nhân viên tiếp cứu tìm thấy ít dấu hiệu người sống tại hiện trường thiên tai có diện tích chừng 53 sân bóng.
Nhân viên cứu hộ trước đây đã nói rằng những dấu hiệu người sống được phát hiện ở 4 điểm. Anh Điền và một con chó còn sống sót được tìm thấy ở 2 địa điểm và nước dò ở một địa điểm khác, cho nên họ còn một điểm chót để tìm kiếm.
Giám đốc đội chống hỏa của tỉnh, ông Wang Gueshe, nói tại một cuộc họp báo sáng nay rằng: “Chúng tôi vẫn còn đào bới ở một điểm. Nhưng các tín hiệu, các dấu hiệu của sự sống dường như đã yếu dần và gần như biến mất. Song chúng tôi vẫn đào bới, phá vỡ, và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở đó.”
Tiến bộ chậm chạp trong việc tìm ra người sống sót cũng đã khơi ra những chỉ trích trên mạng, mà chính quyền Trung Quốc tiếp tục kiểm duyệt trong lúc tai họa này vẫn là đề tài được theo dõi hàng thứ nhì trên trang Freeweibo.com.
Một lời bình đăng trên trang này nói: “Cả nước đang kinh hoàng. Xét về mức độ thường xuyên của các tai họa do con người gây ra trong những tháng vừa qua, kể cả những vụ nổ ở Thiên Tân và vụ chìm tàu du lịch Ngôi sao Đông phương, liệu có nên gán trách nhiệm có các chính quyền địa phương không thôi?” Một người khác viết: “Chúng ta đã hy sinh quá nhiều sinh mạng để cải thiện tính trưởng thành của xã hội dân sự chúng ta.”
Nhà chức trách đang cố gắng tìm cách trấn an công chúng rằng họ đang đi tìm những người chịu trách nhiệm về vụ đất sạt lở này. Đợt sóng đất đã làm sập các tòa nhà tại một khu công nghiệp bắt đầu tại một mỏ bị bỏ không đã được sử dụng nhiều năm làm một bãi thải rác các vật liệu xây dựng.
Chính quyền nói họ đã bắt giữ 12 nhân viên công ty và 11 giới chức chính quyền, tất cả bị cáo buộc là cẩu thả trong việc quản lý địa điểm thải rác.
Truyền thông nêu tên các công ty liên can đến địa điểm thải rác
Tin tức của các cơ quan truyền thông địa phương nêu tên công ty địa ốc Nhất Hưng Long là một nghi can bởi vì công ty này có hợp đồng phụ quản lý địa điểm thải rác. Tin tức truyền thông nói hợp đồng quy định rằng công ty Nhất Hưng Long chịu toàn bộ trách nhiệm về các biện pháp an toàn ở địa điểm.
Nhưng một nhà hoạt động lao động ở Hong Kong nói chính quyền địa phương không nên tránh né trách nhiệm về địa điểm.
Ông Lương Bảo Lâm, một tham vấn của Trung tâm Nguồn lực Kiểm soát châu Á, một tổ chức quảng bá các phong trào lao động trong khu vực, nói: “Cơ quan giám sát và ủy ban cao hơn cũng phải nhận lãnh trách nhiệm.”
Ông nói thêm: “Ta không thể nào thuê người ngoài làm mọi thứ và làm lơ trước những gì xảy ra về sau. Đó là lý do vì sao tôi nói chính quyền địa phương cũng phải chịu trách nhiệm về vụ này.”
Quản lý Chất thải là một vấn nạn lớn hơn
Đối với một số người, tai nạn này là hậu quả của một số khó khăn mà cơ quan quản lý chất thải xây dựng của thành phố phải đối mặt, tiếp theo 3 thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Báo Tin tức Buổi tối Thẩm quyền do chính quyền thành phố phát hành, đã cảnh báo hồi tháng 10 năm ngoái rằng thành phố có thể sắp phải đối mặt với tình trạng thiếu các địa điểm chứa rác thải xây dựng bởi vì sự bùng phát trong các dự án xây cất.
Bản tin trích lời một giới chức chính quyền không nêu danh tính nói rằng mối lo ngại “duy nhất” của ông là việc tìm ra các địa điểm thải rác đã trở thành “cực kỳ khó khăn.”
Theo Tân Hoa Xã, ông Hình Phong, một giáo sư về kỹ thuật xây dựng của trường Đại học Thẩm Quyến, đã từng cảnh báo rằng khối lượng chất thải xây dựng của Trung Quốc đã gia tăng mau chóng trong 2 thập niên vừa qua, trung bình là 1 tấn mỗi đầu người, trong khi cơ chế quản lý chất thải của Trung Quốc tụt hậu rất xa.