Trung Quốc nhắc lại rằng họ không chấp nhận và cũng sẽ không tham gia vụ kiện của Philippines về Biển Đông, và kêu gọi Philippines từ bỏ ảo tưởng và quay trở lại các cuộc đàm phán.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói trong buổi họp báo thường kỳ: “Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc nên được quyết định bởi tất cả người dân Trung Quốc, và không có người hoặc tổ chức nào khác có quyền xử lý”.
Nhận định của ông Hồng Lỗi được đưa ra để đáp lại câu hỏi liên quan đến vụ kiện của Philippines tại tòa án quốc tế La Haye.
Ông Hồng cho biết, lập trường của Trung Quốc trong vụ Biển Đông dựa trên một cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc và sẽ không thay đổi.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tại phiên tòa, Philippines phớt lờ sự thật, công lý, pháp luật quốc tế, và đã tìm cách phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông cũng như hiệu lực pháp lý của Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Postdam.
Ông Hồng nói: “Điều này cho thấy bản chất của việc tranh chấp trên Biển Đông của Trung Quốc và Philippines là tranh chấp lãnh thổ”.
Theo ông Hồng, tòa án trọng tài được thiết lập theo đề nghị của Philippines không có thẩm quyền trong trường hợp này. Các trọng tài nhắm đến việc phủ nhận chủ quyền Biển Đông và lợi ích hàng hải của Trung Quốc thay vì giải quyết tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận kết quả của các giải pháp do một bên thứ ba trong việc tranh chấp lãnh thổ, và hối thúc Philippines thay đổi đường hướng và quay lại đàm phán.
Philippines đã kiện Trung quốc ra tòa trọng tài quốc tế La Haye vào đầu năm 2013.
Trung Quốc đã từ chối tham gia tố tụng, giữ vững quan điểm rằng vụ việc sẽ phải được giải quyết bởi các nước có liên quan trực tiếp thông qua tham vấn và đàm phán.
Trước đó, vào tháng 7 năm nay, Trung Quốc cũng đã có động thái tương tự khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tái khẳng định lập trường phản đối phiên toà và cho biết nước này "sẽ không bao giờ chấp nhận những cố gắng đơn phương nhằm dựa vào bên thứ ba để giải quyết tranh chấp".
Theo Xinhua, VnExpress.