Đường dẫn truy cập

Trung Quốc tiếp nhận người tị nạn Myanmar


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.

Chính phủ Trung Quốc ngày 21/11 loan báo tiếp nhận những người Myanmar chạy trốn các cuộc xung đột tại miền bắc Myanmar gần Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy hai bên trong cuộc xung đột, giữa những nhóm sắc tộc có vũ trang và binh sĩ chính phủ, ngưng các hoạt động thù nghịch.

Tòa đại sứ Trung Quốc tại Myanmar ra tuyên bố vào cuối ngày 20/11 cho biết một số người Myanmar vượt biên giới vào Trung Quốc bị thương đã được đưa vào bệnh viện để chữa trị.

Tuyên bố cũng nói Trung Quốc theo dõi sát tình hình và khuyên người dân Trung Quốc tại Myanmar tự đảm bảo an toàn bằng cách tránh vùng có xung đột nơi các dân quân sắc tộc địa phương giao tranh với các lực lượng chính quy Myanmar trong 36 giờ qua.

Thông tấn xã Pháp AFP loan tin là giao tranh tại khu vực biên giới Trung Quốc-Myanmar đã làm ít nhất 2 thường dân Myanmar thiệt mạng và 25 người khác bị thương. Theo tin tức của truyền thông nhà nước Trung Quốc, có ít nhất 2 người tại một thị trấn lân cận thuộc Trung Quốc cũng bị thương vì pháo kích từ bên kia biên giới.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói quân đội được đặt trong tình trạng báo động cao và sẽ có những biện pháp cần thiết để gìn giữ an ninh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, ngày 20/11 tuyên bố Bắc Kinh hết sức quan ngại về cuộc xung đột này và kêu gọi tất cả các bên chấm dứt các hoạt động quân sự.

Tuyên bố của tòa đại sứ nói một số cư dân Myanmar vượt biên giới sang lãnh thổ Trung Quốc lánh nạn. Vì những lý do nhân đạo, chính quyền địa phương Trung Quốc đã nhận những người vượt biên giới và đưa những người bị thương vào bệnh viện chữa trị.

Tuyên bố cũng cho biết bất cứ người nào cần được giúp đỡ có thể liên lạc với tòa đại sứ Trung Quốc ở Yangoon, thủ đô cũ của Myanmar, hay tòa lãnh sự tại Mandalay miền bắc của quốc gia Đông Nam Á này.

Ba nhóm sắc tộc vũ trang đã đồng thời mở những cuộc tấn công bất ngờ sáng sớm ngày 20/11 vào các đồn quân đội và trạm cảnh sát tại Muse và Kutkai, ở miền bắc Myanmar gần biên giới Trung Quốc.

Kể từ khi nhậm chức, cố vấn quốc gia Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, và chính quyền của bà đã xem tiến trình hòa bình là ưu tiên hàng đầu. Hội nghị Panglong Thế kỷ 21 do bà Suu Kyi khởi xướng nhằm chấm dứt xung đột sắc tộc trong nước đã kết thúc tại Naypyidaw cách đây 7 tuần, với sự tập họp của các lãnh tụ thuộc các bên có liên hệ đến cuộc xung đột.

Xung đột bùng phát ngày 20/11 đe dọa các tia hy vọng từ hội nghị và một lần nữa làm cho vấn đề phức tạp thêm.

Nội chiến tiếp diễn trong nhiều thập niên tại khu vực núi non và biên giới Myanmar, những nhóm sắc tộc mưu tìm tự trị nhiều hơn dưới chế độ quân sự do người Bamar, nhóm sắc tộ đa số tại Myanmar, lãnh đạo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG