Trung Quốc mới đây đã tăng cường những hành động nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông qua việc thực hiện một cuộc diễn tập quân sự kéo dài một tuần xung quanh quần đảo Hoàng Sa. Các nhà phân tích cho rằng hành động này nhắm tới mục tiêu phi chính đáng hoá một phán quyết có tính chất dấu mốc mà Toà trọng tài Liên Hiệp Quốc sắp đưa ra vào tuần sau.
Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc cho biết cuộc diễn tập hải quân sẽ kéo dài cho tới thứ hai tuần sau, một ngày trước khi Toà Trọng tài Quốc tế ở La Haye đưa phán quyết về vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines và bao trùm một vùng biển trải dài về hướng nam từ phía đông của đảo Hải Nam của Trung Quốc cho tới toàn bộ quần đảo Trường Sa.
Giới hữu trách ở Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ tính chất hợp pháp của phán quyết của toà trọng tài, mà theo dự kiến sẽ có lợi cho Philippines và sẽ làm cho Trung Quốc mất đi bất cứ cơ sở pháp lý nào để đòi hỏi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, dựa theo Đường chín đoạn hay còn gọi là Đường lưỡi bò.
Hôm thứ Hai, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh.
“Toà án trọng tài không có quyền quản hạt đối với vụ tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa và phán quyết mà họ sắp đưa ra là bất hợp pháp và không có hiệu lực.”
Ông Hồng còn đả kích Toà trọng tài là “cái loa của một số thế lực nào đó,” và tố cáo chính phủ Philippines của cựu Tổng thống Benigno Aquino “đưa ra những lời dối trá” khi nộp đơn kiện Trung Quốc cách nay ba năm.
Bà Đường Tú Mân (Tang Siew Mun), một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng cuộc tập trận của Trung Quốc trong tuần này có mục đích chứng tỏ lập trường của Trung Quốc là không chịu khuất phục trước áp lực bên ngoài và quyết tâm bảo vệ yêu sách của họ đối với vùng biển có tranh chấp.
Bà Đường cũng cho rằng cuộc diễn tập này cũng có thể là một cách thức mà Trung Quốc dùng để phô trương sức mạnh quân sự và chứng tỏ là họ sẵn sàng dùng vũ lực để bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Nhà nghiên cứu này cho rằng bên cạnh việc phớt lờ phán quyết của toà trọng tài, Trung Quốc cũng sẽ tranh thủ thêm hậu thuẫn của các nước đồng minh để bác bỏ phán quyết và tìm cách gây ảnh hưởng lên tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, thông qua những sự dụ dỗ về kinh tế, để Manila hạ thấp tầm quan trọng của vụ tranh chấp pháp lý. Ngoài ra, theo bà Đường Tú Mân, Trung Quốc cũng sẽ ra sức vận động để các đồng minh trong khối ASEAN không đưa ra một tuyên bố về phán quyết của Toà trọng tài trong lúc chuẩn bị thực hiện một cuộc phô trương sức mạnh khác nữa.
Bất chấp những hành động hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông, một số nhà phân tích cho rằng có một điều rất đáng lưu ý là cuộc diễn tập hiện nay được thực hiện gần quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát, chứ không phải ở quần đảo Trường Sa, là nơi có sự hiện diện quân sự của cả Việt Nam lẫn Philippines. Các nhà phân tích nói điều này có thể là bằng chứng cho thấy Trung Quốc không có ý định gây hấn.
Ông James Nolt, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chính sách Thế giới nói với đài VOA như sau.
“Đây chỉ là suy đoán mà thôi. Việc giới hạn những hoạt động quân sự trong khu vực đó có thể phát xuất từ vấn đề hậu cần. Nhưng nó cũng có thể là một cuộc diễn tập quân sự có giới hạn, để đưa ra một tuyên bố chính trị, có mục đích chứng tỏ khả năng và ý định can thiệp, nhưng không có tính chất khiêu khích quá nhiều.”
Tuần trước, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, ông John Brennan, tái khẳng định lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ ở Á châu.
Ông nói “Hoa Kỳ xem khu vực này của thế giới là hết sức quan trọng, và chúng tôi có những quyền lợi an ninh quốc gia rất quan trọng mà chúng tôi sẽ không từ bỏ.”
Ông Brennan nói thêm rằng ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông chính là lý do vì sao Hoa Kỳ chú ý tới tất cả những gì mà Trung Quốc đang làm trên mọi lãnh vực.
Ông James Nolt của Viện Chính sách Thế giới nhận định như sau về mối căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc.
“Cả hai bên sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện trong khu vực để khẳng định những đòi hỏi của mình với hy vọng là rốt cuộc sẽ có được một giải pháp thông qua thương lượng, khi tất cả các bên nhận ra rằng những mục tiêu tối đa hoá của họ sẽ không đạt được bằng sức mạnh.”
Ông Nolt cho biết ông tin rằng xác suất xảy ra chiến tranh ở Biển Đông rất thấp vì một cuộc xung đột quân sự ở đó sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại cho các mối quan hệ chính trị và kinh tế và sẽ làm cho các thị trường tài chánh trên thế giới bị rúng động.