Đường dẫn truy cập

Trung Quốc sẽ tuyên bố khu nhận dạng phòng không tại Biển Đông?


Chiến đấu cơ SU-27 của Trung Quốc bay ngang khu vực Biển Đông.
Chiến đấu cơ SU-27 của Trung Quốc bay ngang khu vực Biển Đông.

Các công trình lấp biển xây đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc chiến lược trong khu vực và giờ đây, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến trình quân sự hoá và sẽ tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trong khu vực, theo hãng tin CNA của nhà nước Đài Loan hôm 31/8.

Trong một phúc trình nộp cho viện lập pháp về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói vào tháng 9/2013, Trung Quốc đã khởi sự đổ cát lên đá Gạc ma, một trong hơn 50 bãi cạn và đá ngầm trong Biển Đông. Trung Quốc từ đó đã tiến hành lấn biển xây đảo tại 6 bãi đá khác và hiện đang xây một bến cảng, nhiều phi đạo cùng các cơ sở hạ tầng khác.

Phúc trình này nói bây giờ thì Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến trình quân sự hoá các đảo mới để sử dụng như những tiền đồn trong Biển Đông. Ngoài tuyên bố chủ quyền và khai thác tài nguyên thiên nhiên tại đây, Trung Quốc sẽ tuyên bố một khu nhận dạng phòng không trong khu vực.

Một nhà nghiên cứu về các vấn đề Đông Nam Á cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), Phương Nguyễn nói rằng việc Trung Quốc tuyên bố khu nhận dạng phòng không là chuyện tất phải đến. Cô Phương Nguyễn nói:

“Trung Quốc đã phản ứng bằng cách lặp lại rằng tuyên bố một khu nhận dạng phòng không ở Biển Đông là quyền của họ. Thành ra câu hỏi không phải là liệu Trung Quốc có thực hiện ý định đó hay không, mà là bao giờ?”

Một bản tin của công ty truyền thông Fairfax Media trích các nguồn tin quân sự cấp cao của Australia, nhận định rằng Trung Quốc đã thắng vòng đầu trong cuộc tranh chấp để giành quyền kiểm soát Biển Đông khi hoàn tất việc xây dựng một quần đảo gồm các đảo mới do họ tạo ra.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, cô Phương Nguyễn nói cô đồng ý với nhận định đó:

“Tôi đồng ý, hoàn toàn đồng ý với nhận định đó. Tôi cho rằng thế giới và đặc biệt các cường quốc chủ yếu, đã tỏ ra chậm chạp trong phản ứng trước những hành động của Trung Quốc cải tạo đất, công tác này giờ hầu như đã hoàn tất và giờ đây Trung Quốc đang tập trung xây dựng các cơ sở và phương tiện trên các đảo nhân tạo đó, cho nên, vâng Trung Quốc đã thắng vòng đầu”.

Bài viết đăng trên tờ Sydney Morning Herald nói thêm rằng không có vật chướng ngại nào thực sự có thể cản trở Trung Quốc thắng vòng tranh chấp kế tiếp, trước thái độ do dự của chính phủ Mỹ và các đồng minh, kể cả Australia, không thực sự bày tỏ quyết tâm thực hiện những cam kết sẽ mạnh mẽ thách thức những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc, để bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Giới phân tích quân sự dự kiến là tới năm 2017, Trung Quốc sẽ trang bị các đảo tân tạo với đầy đủ các bến cảng, căn cứ quân sự, đường băng và các hệ thống radar tầm xa. Những phương tiện này sẽ cho phép Trung Quốc phóng xa sức mạnh quân sự và phi quân sự tới những vùng biển xa xôi, nơi có tranh chấp diễn ra gay gắt nhất trong Biển Đông.

Những phương tiện đó có thể khiến Bắc Kinh trở nên táo bạo hơn và tăng cường sách nhiễu các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền các vùng biển này, đồng thời làm gián đoạn các tuyến hàng hải hiện là nơi qua lại của 3 phần 5 thương mại quốc tế.

Cô Phương Nguyễn nhận định rằng thắng vòng đầu không nhất thiết giúp Trung Quốc thừa thắng xông lên, nếu Hoa Kỳ và các đồng minh, kể cả Australia, Nhật Bản, chứng tỏ quyết tâm của mình, dứt khoát và mạnh mẽ hơn cả lúc Bắc Kinh tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông trước đây. Cô Phương Nguyễn nói:

“Hoa Kỳ và các nước đồng minh, nhất là Nhật Bản và Australia, phải chứng tỏ cho Trung Quốc thấy quyết tâm của họ áp lực Trung Quốc tới cùng, và khẳng định quyết tâm sắt đá của họ để Trung Quốc thấy rằng những lời đe doạ của họ không phải là những lời nói rỗng tuyếch.”

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đòi ngưng tất cả mọi hành động cải tạo đất, và đề ra kế hoạch cho máy bay quân sự và tàu bè đi ngang qua vùng biển tranh chấp trong phạm vi 12 hải lý cách các đảo nhân tạo. Những cam kết này được Bộ trưởng Quốc phòng Úc Kevin Andrews mạnh mẽ ủng hộ, nhưng theo Fairfax Media, các phi cơ bay ngang qua vùng gồm cả máy bay trinh sát, diễn ra bên ngoài phạm vi 12 hải lý.

Nhà nghiên cứu Phương Nguyễn lặp lại rằng Hoa Kỳ và các đồng minh phải bảo đảm hành động đi đôi với lời nói, để những lời khuyến cáo Trung Quốc nên tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, không phải là những lời nói suông.

Một số nhà chiến lược tin rằng Trung Quốc sẽ được rộng tay hành động cho tới ít nhất là năm 2017, lúc Lào phải nhường chức Chủ tịch ASEAN lại cho nước khác, và một chính phủ mới ở Hoa Kỳ đã tại vị. Tuy nhiên một số giới chức Mỹ và Úc cho rằng Trung Quốc chỉ ‘thắng về mặt chiến thuật nhưng sẽ thất bại về mặt chiến lược’, bởi vì các nước trên khắp khu vực sẽ phản ứng bằng cách thắt chặt các quan hệ với nhau và với Hoa Kỳ.

XS
SM
MD
LG