Giám đốc Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động xây dựng bất hợp pháp trên các đảo Bắc Kinh bồi đắp trong vùng biển Đông có tranh chấp với các nước bao gồm Việt Nam.
Phát biểu trước Thượng viện Mỹ ngày 9/2, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc gia James Clapper nhấn mạnh các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là ‘quá đáng’ , đồng thời khuyến cáo rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục xây các đảo nhân tạo cùng các cơ sở quân sự trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc đã hoàn tất thi công một đường băng ở Trường Sa và dường như đang tiến hành xây thêm 3 phi đạo nữa, vừa tạo điều kiện cho các máy bay tuần tra tiếp tế nhiên liệu vừa cho phép Bắc Kinh dễ dàng kiểm soát mọi phương tiện qua lại trong khu vực.
Việt Nam và các nước lên án các kế hoạch xây dựng ráo riết của Trung Quốc ở Biển Đông là âm mưu nhằm thay đổi nguyên trạng để củng cố các tuyên bố chủ quyền ‘bành trướng’ ‘phi pháp’.
Thời báo Châu Á cho biết vài ngày trước khi Giám đốc tình báo Mỹ đưa ra khuyến cáo, truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nỗ lực dành chủ quyền ở Trường Sa-Hoàng Sa với hàng loạt các bài xã luận kêu gọi Bắc Kinh phải tăng cường kiểm soát hơn nữa trong khu vực sau khi Mỹ cho tàu chiến thực thi quyền tự do hàng hải gần Hoàng Sa, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại đây.
Tờ Hoàn cầu Thời báo dẫn lời các quan chức quốc phòng Trung Quốc đề nghị nhanh chóng lập vùng nhận dạng phòng không và tăng cường sự hiện diện hơn nữa ở Biển Đông.
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ hôm 30/1 đã tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa mà không báo trước, khiến Trung Quốc tức giận.
Việt Nam nói đảo Tri Tôn, cồn cát có diện tích lớn thứ ba ở quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc dùng võ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển, Việt Nam 'tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982'.
Theo AP, Breibart.