Trung Quốc đã đề nghị Indonesia ngừng khoan khai thác dầu và khí đốt tự nhiên ở vùng biển mà cả hai nước đều coi là lãnh hải của riêng họ khi hai nước đối đầu kéo dài nhiều tháng ở Biển Đông hồi đầu năm nay, 4 người nắm về vấn đề này nói với Reuters, hãng tin này tường thuật trong một bản tin độc quyền.
Một bức thư của các nhà ngoại giao Trung Quốc gửi cho Bộ Ngoại giao Indonesia đã nói rõ rằng Indonesia hãy dừng khoan tại một giàn khoan tạm thời ở ngoài khơi vì công việc đó diễn ra trên lãnh thổ Trung Quốc, ông Muhammad Farhan, một nhà lập pháp trong ủy ban an ninh quốc gia của quốc hội Indonesia, nói với Reuters. Ông là người được nghe báo cáo tóm tắt về bức thư, bản tin độc quyền của Reuters cho biết thêm.
Ông Farhan chia sẻ với Reuters: “Câu trả lời của chúng tôi rất kiên quyết, đó là chúng tôi sẽ không dừng hoạt động khoan vì đó là quyền chủ quyền của chúng tôi”.
Ba người khác cho hay họ cũng được thông báo tóm tắt về vấn đề này và xác nhận là có bức thư như vậy. Hai trong số ba người này cho biết Trung Quốc đã lặp đi lặp lại lời đề nghị Indonesia ngừng khoan.
Indonesia nói rằng phần đầu phía nam của Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế của họ theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và đặt tên khu vực này là Biển Bắc Natuna vào năm 2017.
Trung Quốc phản đối việc đổi tên và khăng khăng rằng tuyến đường thủy này nằm trong yêu sách về lãnh hải rộng lớn của Trung Quốc đối với Biển Đông mà họ đánh dấu bằng "đường 9 đoạn" hình chữ U. Đường ranh giới này không hề có cơ sở pháp lý, theo một phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Hay vào năm 2016.
Ông Farhan cho Reuters biết: “Bức thư có tính chất khá là đe dọa vì đây là nỗ lực đầu tiên của các nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm thúc đẩy nghị trình về đường 9 đoạn của họ, xung đột với các quyền của chúng tôi theo Luật Biển”.
Các nhà lãnh đạo Indonesia đã giữ im lặng về vấn đề này để tránh xung đột hoặc một cuộc đấu khẩu ngoại giao với Trung Quốc, ông Farhan và hai người nữa nắm về sự việc cho Reuters biết.
Ông Farhan nói rằng Trung Quốc còn gửi một bức thư khác phản đối cuộc tập trận quân sự Lá chắn Garuda, chủ yếu diễn ra trên đất liền vào tháng 8. Cuộc tập trận được tiến hành khi hai nước đang có đối đầu.
Theo ông Farhan, cuộc tập trận, với sự tham gia của 4.500 quân nhân của Hoa Kỳ và Indonesia, là một sự kiện thường lệ kể từ năm 2009. Đây là lần đầu tiên có sự phản đối của Trung Quốc về cuộc tập trân. Ông nói: “Trong bức thư chính thức của họ, chính phủ Trung Quốc bày tỏ quan ngại của họ về sự ổn định an ninh trong khu vực”.