Trung Quốc sẽ xả nước từ đập thượng nguồn ở tỉnh Vân Nam xoa dịu hạn hán tại nhiều nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/3 cho hay Bắc Kinh bắt đầu xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sông Mekong từ ngày 15/3 tới ngày 10/4.
Loan báo được đưa ra sau khi Việt Nam chính thức yêu cầu Bắc Kinh xả nước giúp vùng đồng bằng Sông Cửu Long chống hạn.
Phát biểu với VOA Việt ngữ từ đồng bằng sông Cửu Long tối 16/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Việt Nam, ông Hoàng Văn Thắng, cho biết:
“Nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng về tới vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian rất dài, trên nửa tháng. Cho nên chúng tôi cũng đang chờ đợi”.
Báo nhà nước dẫn công văn Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi đại sứ quán Trung Quốc đề nghị xả nước từ tháng 3 đến tháng 8. Vậy lưu lượng và thời gian xả nước Trung Quốc đáp ứng hiện nay có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam?
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng tiếp lời:
“Chúng tôi cũng không đề nghị họ phải xả liên tục. Chúng tôi chỉ đề nghị họ xả 3 đợt thôi. Như vậy, nếu họ xả được trong vòng 7, 8 ngày cũng là quý đối với hạ lưu sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long rồi. Nếu có dòng nước đẩy mạnh, chúng tôi sẽ cùng các địa phương tìm các giải pháp lấy nước, trữ nước để phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Đợt hạn kéo dài hiện nay phá hủy 160 hecta lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại kinh tế trên 222 triệu đôla, và làm ảnh hưởng 290 ngàn hecta cây ăn trái.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Việt Nam đơn cử trường hợp của tỉnh Bến Tre, nơi đang chật vật thiếu thốn nguồn nước sinh hoạt, mùa màng bị thiệt hại nặng nề có thể mất trắng.
Vẫn theo lời Thứ trưởng Thắng, sản lượng thu hoạch ở địa phương sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, có thể phải thu hẹp từ 3 vụ lúa xuống chỉ còn 2 vụ trong năm.
Chúng tôi cũng không đề nghị họ phải xả liên tục. Chúng tôi chỉ đề nghị họ xả 3 đợt thôi. Như vậy, nếu họ xả được trong vòng 7, 8 ngày cũng là quý đối với hạ lưu sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long rồi. Nếu có dòng nước đẩy mạnh, chúng tôi sẽ cùng các địa phương tìm các giải pháp lấy nước, trữ nước để phục vụ nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng.
Ông Thắng cho hay giới hữu trách Việt Nam đang nghiên cứu các giải pháp lâu dài giúp thích nghi, thích ứng với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng tăng ở vựa lúa miền Nam.
Năm 2010, Trung Quốc từng bị lên án là không xả đủ lượng nước từ các đập thượng nguồn, gây khó khăn kinh tế cho các cộng đồng cư dân hạ nguồn Mekong.
Việt Nam, quốc gia vùng hạ nguồn, có thể làm gì để tránh sự phụ thuộc này? Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị:
“Phải tăng cường hợp tác giữa các nước trong quản lý các dòng sông, chia sẻ thông tin, trong trường hợp thiên tai thì cùng tăng cường việc xả nước”.
Một trong những phương án trước mắt, theo ông, là thông qua Ủy hội Hợp tác Mekong yêu cầu các nước thượng nguồn gia tăng xả nước để hỗ trợ cho vùng hạ du.
Cơ chế hợp tác Lancang-Mekong giữa Trung Quốc với Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam được hình thành cuối năm ngoái nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho khu vực. Trong đó, hợp tác về nguồn nước được xem là một trong những nội dung quan trọng nhất.
Đợt hạn hán và hiện tượng xâm nhập mặn tại nhiều khu vực ở vùng đồng bằng Mekong hiện nay được xem là khắc nghiệt nhất trong 100 năm qua, kinh phí cần có để đối phó ước tính gần 4 tỷ đôla.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trong vùng bị tác động nặng nề nhất. Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nước do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino.
Sông Lancang chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trước khi đổ vào Đông Nam Á được gọi là sông Mekong, có chiều dài tổng cộng 4.880 cây số, băng qua 5 nước vừa kể.
Cuộc họp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo trong cơ chế hợp tác Lancang-Mekong sẽ diễn ra trong tháng này tại Hải Nam, Trung Quốc.