Tân Hoa Xã đưa tin vào hôm 22/7 rằng một tàu nghiên cứu của chính phủ đã hạ thủy hàng chục tàu ngầm dò tìm tại một vị trí chưa được xác định ở Biển Đông hồi đầu tháng này. Tân Hoa Xã nói rằng đây là hoạt động phối hợp tàu ngầm không người lái lớn nhất. Việc này diễn ra ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố tiếp tục tuần tra trong vùng biển đang có tranh chấp.
Theo đài truyền hình CCTVPlus, tàu nghiên cứu "Khoa học” chở các chiếc tàu ngầm đã rời Thanh Đảo vào ngày 10/7 và trở về thành phố Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến miền đông Trung Quốc hôm thứ Sáu 21/7.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nói đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm tăng tốc và cải tiến việc thu thập dữ liệu đại dương ở Biển Đông cho các hoạt động của đội tàu ngầm Trung Quốc, diễn ra vào lúc có tin nói Tổng thống Donald Trump chấp thuận kế hoạch cho phép Hải quân Mỹ nhiều quyền tự do hơn trong hoạt động tuần tra trên Biển Đông – một động thái mà các nhà phân tích nói rằng sẽ làm tăng bất trắc trong quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề an ninh khu vực.
Trang web của hãng tin Breitbart News trích lời một viên chức Mỹ cho biết hôm thứ Sáu rằng kế hoạch này do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát thảo vào tháng 4 năm nay, khi ông đưa ra kế hoạch 5 năm cho tàu hải quân Mỹ tuần tra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông,
Một động thái như vậy có thể được xem như một thách thức đối với tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc trong vùng biển đang tranh chấp.
Ông Yu Jiancheng, nhà khoa học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết 12 chiếc tàu ngầm Hải quân Haiyi (còn gọi là Sea Wing) sẽ hoạt động trong một tháng để thu thập thông tin chi tiết trên đại dương về nhiều chủ đề, bao gồm nhiệt độ, độ mặn, độ sạch của nước, mức oxy, tốc độ và hướng dòng chảy của đại dương.
"Dữ liệu được truyền ngay lập tức về một phòng thí nghiệm trên đất liền ", nghĩa là thông tin được gửi đi ngay khi nó được thu thập dưới nước, ông Yu đã được Tân Hoa Xã dẫn lời.
Ông Yin Jingwei, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Âm thanh Hải dương thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, nói rằng nếu kế hoạch được vận hành như kỳ vọng "việc này chắc chắn là một bước đột phá."
Trường Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, trước đây gọi là Học viện kỹ thuật quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã chế tạo chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc. Ông Yin là nhà khoa học hàng đầu trong nhiều dự án nghiên cứu quân sự về thông tin liên lạc dưới nước.
Tân Hoa Xã không cho biết cách thức liên lạc giữa các tàu ngầm, hoặc khoảng cách giữa các tàu ngầm khi vận hành.
Nguồn: SMCP, CCTVPlus, Xinhua