Học sinh Trung Quốc bắt đầu năm học mới hôm thứ Hai, 1/9, với bài học lịch sử về Thế Chiến II.
Trong khán phòng tại trường trung học Dục Tài, Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc, hàng trăm học sinh và giáo viên rơi nước mắt sau khi Trương Trác Á, con gái của vị tướng quân đội Thế Chiến II Lí Triệu Lân, kể về những trải nghiệm của gia đình bà trong chiến tranh.
Bà Trương nói: “Một trong những người anh em của tôi đã được sinh ra trong mùa đông năm 1940 khi cha mẹ tôi đang ở trong quân đội chiến đấu với những kẻ xâm lược Nhật Bản. Một nữ binh sĩ đã cắt dây rốn bằng răng của cô ấy và quấn cậu ấy trong một cái bọc”.
Quân đội Trung Quốc đã phải chạy trốn khỏi lính Nhật Bản, được trang bị vũ khí tối tân hơn và đông hơn họ. “Lo sợ tiếng khóc của em bé sẽ khiến đoàn quân gặp nguy hiểm, cha tôi đã để em tôi lại trong núi mặc dù mẹ tôi đã khóc”, bà Trương nói.
Bà Trương vẫn còn rất trẻ khi cha qua đời vào năm 1946, vì vậy bà đã biết về cha mình qua lời kể của mẹ: “Cha tôi nói với mẹ tôi rằng ông không thể đặt số phận của quân đội vào nguy hiểm chỉ để cứu con trai mình”.
Hứa Bác Viễn, một học sinh 16 tuổi, nói: “Trải nghiệm của gia đình bà là một ví dụ sống động của Trung Quốc thời chiến tranh. Đây là bài học lịch sử tốt nhất mà tôi từng học. Chúng ta phải học lịch sử chiến tranh nhưng không phải để chiến đấu hay truy tìm kẻ thù. Thay vào đó, chúng ta cần rút ra bài học từ lịch sử để tránh lặp lại thảm kịch”.
Là người gốc Diên An, căn cứ cách mạng của Đảng cộng sản Trung Quốc, Bàng Đình Đình lần đầu tiên được biết đến trường học dành cho tù nhân chiến tranh Nhật Bản được xây dựng trên ngọn Núi Chùa trong Thế Chiến II.
Cô nói: “Ngọn núi là một biểu tượng của quê hương tôi, nhưng tôi chưa bao giờ biết có hơn 500 người Nhật đã từng học ở đây và rất nhiều trong số họ đã ăn năn và tham gia cuộc chiến chống phát xít”.
Chu Vũ Đào, một sinh viên trường Ngoại ngữ Nam Kinh, từng đến thăm hơn 20 bãi chôn các nạn nhân của vụ thảm sát Nam Kinh và vẽ bản đồ của khu vực đó.
Sinh viên Chu chia sẻ với bạn học vào hôm thứ Hai trong buổi học về lịch sử chiến tranh: “Tôi hy vọng mọi người sẽ đến thăm những ngôi mộ, thương tiếc người chết, ghi nhớ lịch sử và trân trọng cuộc sống”.
Giáo sư Phan Tuân, đại học Tây Nam, Trùng Khánh, cho biết: “Lịch sử chiến tranh phải là một bài học thường xuyên. Điều quan trọng là hình dung lịch sử thông qua những câu chuyện và đoạn phim, để cho các thế hệ trẻ tìm hiểu thêm về quá khứ của Trung Quốc”.
Học sinh bắt đầu năm học mới vào thứ Hai, riêng học sinh Bắc Kinh sẽ bắt đầu vào ngày 7/9 vì Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc diễu hành “rầm rộ” để kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Nhật.
Cuộc diễu hành sẽ được tổ chức vào ngày 3/9 tại Quảng trường Thiên An Môn.
Đây là cuộc diều hành lớn đầu tiên không tổ chức vào ngày Quốc khánh Trung Quốc và các cựu chiến binh Quốc Dân Đảng cũng được mời tham gia.
Theo Xinhua, China Daily