Trung Quốc đã cách chức Ngoại trưởng giao Tần Cương hôm 25/7 sau khi ông vắng mặt trước công chúng trong một tháng, và đưa người tiền nhiệm của ông Tần là ông Vương Nghị trở lại thay ông Tần, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, sau nhiều tuần đồn đoán về chuyện gì đã xảy ra với ông.
Ông Tần, 57 tuổi, người chỉ mới nhậm chức hồi tháng 12 sau thời gian ngắn làm đại sứ tại Mỹ, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 25/6 khi ông tiếp các nhà ngoại giao đến thăm Bắc Kinh.
Sau khi ông không dự một hội nghị của các ngoại trưởng ở Indonesia, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cho biết ông đang nghỉ vì lý do sức khỏe nhưng không nói rõ là gì, thông tin không rõ ràng đã dẫn đến đồn đoán nối tiếp đồn đoán.
Nó cũng làm tăng thêm sự nghi ngờ về tính minh bạch và cơ chế ra quyết định trong các nhà lãnh đạo kín như bưng ở quốc gia này, các nhà phân tích và nhà ngoại giao cho biết.
Ông Vương, 69 tuổi, người thay thế ông Tần trong thời gian ông vắng mặt, trở lại vai trò mà ông nắm giữ từ năm 2018 đến năm 2022.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không phản hồi câu hỏi về lý do đằng sau việc cách chức này.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh có một loạt can dự quốc tế và mối quan hệ sứt mẻ với đối thủ Mỹ, mà Bắc Kinh cho là đang ở điểm thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Sinh ra ở thành phố Thiên Tân vào năm 1966, ông Tần học ngành Chính trị Quốc tế tại một trong những ngôi trường danh giá nhất dành cho các nhà ngoại giao tương lai, Đại học Quan hệ Quốc tế Bắc Kinh.
Sau khi tốt nghiệp, ông Tần bước chân vào ngành ngoại giao, trải qua nhiều công việc ở Bộ Ngoại giao cũng như được cử sang Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh.
Ông Tần từng hai lần làm phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao trong giai đoạn từ 2006 cho đến năm 2014, và trưởng bộ phận lễ tân từ năm 2014 cho đến 2018, đặc biệt là chăm lo cho các cuộc tiếp xúc của ông Tập với các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Ở cương vị người phát ngôn, ông trở nên nổi bật khi là một những nhà ngoại giao Trung Quốc lên tiếng quyết liệt bảo vệ chính sách đối ngoại ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, phong cách ngoại giao được gọi là ‘ngoại giao chiến binh sói’ hay ‘ngoại giao chiến lang’.
Nhưng ông cũng thể hiện thiện chí làm việc với Mỹ và tuyên bố khi đến nhận nhiệm sở ở Washington hồi tháng 7 năm 2021, sau giai đoạn các quan chức hai nước có những lời lẽ qua lại gay gắt, rằng quan hệ song phương ‘có cơ hội và tiềm năng to lớn’.
Quan hệ giữa hai siêu cường đã không có tiến triển đáng kể gì trong thời gian ông Tần làm đại sứ hay sau đó. Hai nước thường xuyên tranh cãi về nhiều vấn đề trong đó có thương mại, công nghệ và Đài Loan.
Ông Tần, vốn được các nhà phân tích cho là có khả năng được đưa lên làm ngoại trưởng để giúp ổn định quan hệ với Mỹ, đã có cuộc họp và bữa tối kéo dài 5 tiếng rưỡi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Bắc Kinh hồi tháng Sáu mà hai bên mô tả là chân thành và xây dựng.
Vài ngày sau đó, hôm 25/6, ông Tần hội đàm với các quan chức đến từ Sri Lanka, Nga và Việt Nam ở Bắc Kinh nhưng sau đó bắt đầu vắng mặt trước công chúng mà không có lý do.
Ông Vương Nghị, người đã được đưa vào Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan ra quyết sách hàng đầu, đã thay chức trách của ông Tần trong thời gian ông vắng mặt.
Ông Tần, có gia đình và có một con trai, đã công du nhiều nước khác nhau trên cương vị ngoại trưởng, bao gồm một số nước châu Phi hồi tháng Một và châu Âu hồi tháng Năm, nơi ông thúc đẩy cho lời kêu gọi ngừng bắn của Trung Quốc ở Ukraine, một sứ mạng khó nhằn vì Trung Quốc đã bị chỉ trích là đã không lên án Nga xâm lược Ukraine.
Sau khi trở thành Ngoại trưởng, những phát biểu của ông Tần về các vấn đề nóng như Đài Loan và quan hệ với Nga không có bất kỳ khác biệt đáng kể nào so với người tiền nhiệm.
Trong những phát biểu đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng, ông nói rằng để giải quyết những thách thức chung của nhân loại, chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ mang lại ‘sự khôn ngoan của Trung Quốc, sáng kiến của Trung Quốc và sức mạnh của Trung Quốc’.
Diễn đàn