Loan báo của Trung Quốc về một tàu nạo vét khổng lồ có thể dùng để lắp đất xây đảo trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông sẽ gây phẫn nộ tại phần lớn các nước Châu Á cũng như trong chính quyền Mỹ, vào một thời điểm khi diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo hàng đầu trong khu vực.
Bắc Kinh đã bắt đầu chạy thử tàu nạo vét nước sâu lớn nhất châu Á được đặt tên là Thiên Côn Hiệu (Tian Kun Hao), trang mạng của tờ China Daily của nhà nước Trung Quốc cho biết. Theo bản tin thì chiếc tàu dài 140m có khả năng nạo vét 6.000 mét khối đất một giờ ở độ sâu 35 mét dưới đáy biển.
Tàu này có thể đẩy nhanh việc tạo ra các hòn đảo nhân tạo, một tiến trình sẽ mở rộng quyền kiểm soát trên Biển Đông, nơi mà hầu hết các đảo, đá và thực thể thiên nhiên quá nhỏ bé để có thể phát triển.
Ông Alexander Huang, giáo sư môn nghiên cứu chiến lược tại Đại học Tamkang, Đài Loan, nói:
"Nhìn từ góc độ ngoại giao, làm như vậy không đành đi một thông điệp tích cực tại thời điểm này. Tôi thực sự không biết tại sao họ làm việc này, bởi vì dựa vào nền văn hoá chiến lược truyền thống của Trung Quốc, làm như vậy không khuyến khích việc thể hiện sức mạnh trong một giai đoạn có nhiều bất định."
Giáo sư Huang nói: "Điều đó có nghĩa là Trung Quốc tự tin hơn nhiều về những gì họ có thể làm, và họ sẽ không màng tới quan điểm của các nước láng giềng, hay các bên quan tâm."
Các hội nghị cấp cao sắp tới
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 90% vùng biển có diện tích 3,5 triệu cây số vuông, chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ gặp nhau vào trung tuần tháng 11 với các đối tác đến từ nhiều nước Đông Nam Á và với Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông.
Vấn đề Biển Đông đã bị đẩy sang một bên và ít khi được nhắc đến trong năm qua giữa lúc các nước tranh chấp đối nghịch đàm phán với Trung Quốc về vấn đề viện trợ phát triển và hợp tác hàng hải, kể cả về một bộ Quy tắc Ứng xử nhằm ngăn ngừa các vụ đụng độ trên biển.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngoại giao, các nước gồm cả Trung Quốc, thường xếp sang một bên những hành động gây tranh cãi cho tới sau các cuộc họp cấp cao.
Chẳng hạn, chính phủ Hoa Kỳ đã hoãn việc bán vũ khí trị giá 1,4 tỷ đô la cho Đài Loan cho tới ba tháng sau khi ông Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng Tư. Nếu không hoãn vụ bán vũ khí, ông Tập đã giận dữ bởi vì Trung Quốc coi đảo Đài Loan tự trị như một phần thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.
Tàu nạo vét TQ sẽ hoạt động ở đâu trước?
Tàu nạo vét Trung Quốc có khả năng đào đất từ một khu vực có diện tích bằng một sân bóng đá sâu một mét nội trong vòng chưa tới một tiếng đồng hồ, theo trang mạng China Daily.
Các nước Đông Nam Á tranh giành chủ quyền với Trung Quốc không có ngân sách hay trình độ chuyên môn của nước này để có thể phát triển các thiết bị cải tạo đất trong các vùng biển sâu.
Trung Quốc trước hết có thể sử dụng tàu nạo vét để lắp đất tại quần đảo Hoàng Sa.
Việc Trung Quốc chạy thử tàu nạo vét có thể gây bực dọc cho Việt Nam bởi vì nước này cũng tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, nhưng không có khả năng bảo vệ nơi này một cách hiệu quả, theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói bảy hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát tại quần đảo Trường Sa đã được xây dựng, và như vậy, Hoàng Sa có thể là địa điểm kế tiếp.
Đối nghịch Trung-Việt
Việc xây dựng thêm quần đảo Hoàng Sa sẽ làm xói mòn tuyên bố chủ quyền của Việt Nam cũng như sự hỗ trợ quốc tế cho Hoàng Sa.
Ông nói: "Tôi tin rằng tàu nạo vét là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc cho xây các hòn đảo nhân tạo trong Biển Đông để củng cố vị thế của họ trong khu vực. Nhưng có lẽ Trung Quốc sẽ loan báo tin về tàu nạo vét để tránh trùng ngày với các cuộc họp cấp cao trong tháng này, thay vì là một phần trong một lộ đồ dài hơn để bành trướng sự hiện diện của họ trên biển.”
Tại Việt Nam, ông Tập đã được lên kế hoạch để gặp Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, cũng như Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Những cuộc họp này sẽ cho biết liệu loan báo về tàu nạo vét có tác động gì không.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis có thể cũng sẽ bất bình về tàu nạo vét Trung Quốc, theo ông Huang. Hồi tháng Sáu, ông Mattis nói xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo "phương hại tới sự ổn định của khu vực".