Cảnh sát Israel đã bắn hơi cay vào những người biểu tình Palestine ở Bethlehem trong ngày thứ Sáu (8/12), ngày mà các nhóm Palestine gọi là “Ngày Thịnh nộ”.
Cảnh sát Israel yêu cầu được tăng cường lực lượng để bảo vệ an ninh cho Jerusalem sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và Hoa Kỳ sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem.
Trước đây, Israel từng giới hạn độ tuổi được vào khu Núi Đền ở Jerusalem, nơi bạo lực thường bùng phát trong những thời điểm căng thẳng. Phát ngôn viên cảnh sát Israel, Mickey Rosenfeld, nói: “Không có dấu hiệu cho thấy sẽ có hỗn loạn ở khu Núi Đền, nên chưa có lệnh hạn chế về độ tuổi. Nếu có hỗn loạn, chúng tôi sẽ phản ứng ngay lập tức”.
Người Hồi giáo xem địa điểm này như một khu vực linh thiêng, còn người Do Thái gọi đây là Núi Đền. Nơi đây cũng được xem là thánh địa linh thiêng nhất của người Do thái và là địa điểm linh thiêng thứ ba đối với người Hồi giáo.
Trong ngày thứ Sáu, các cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi tại Trung Đông và ở các quốc gia mà người Hồi giáo chiếm đa số.
Hàng ngàn người đã tuần hành tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, trước Đại sứ quán Hoa Kỳ. Một số người biểu tình mang theo biểu ngữ “Đừng nhúng tay vào Jerusalem” và “Đả đảo Tổng thống Trump”.
Tại Indonesia, nước có số dân Hồi giáo đông nhất thế giới, hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Hoa Kỳ tại thủ đô Jakarta. Họ hô vang “Trump điên rồi”, “Trump chết đi” và “Nước Mỹ chết đi”.
Trong khi đó, nhóm Hồi giáo Hamas kêu gọi một cuộc nổi dậy chống lại Israel.
Tuyên bố của ông Trump được xem là đảo ngược hàng thập niên ngoại giao trong việc mưu tìm hòa bình cho Israel. Jerusalem là một trong những trở ngại lớn nhất trong tiến trình này và người ta tin rằng giải pháp trên sẽ phá vỡ tiến trình đàm phán hòa bình.
Israel coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi người Palestine muốn phía đông Jerusalem là thủ đô tương lai khi Palestine thành lập nhà nước độc lập.
Hôm thứ Năm, Tòa Bạch Ốc bác bỏ suy luận rằng tuyên bố của Tổng thống Trump sẽ dời Đại sứ quán Hoa Kỳ tới Jerusalem đồng nghĩa với việc chính quyền của ông Trump đang rút ra khỏi tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ngay lúc này, không một quốc gia nào làm theo kế hoạch của Tổng thống Trump di chuyển sứ quán của họ từ Tel Aviv đến Jerusalem, một điều mà Nhà Trắng biết rõ.
Đại sứ Nga tại Israel, ông Alexander Shein, nói Moscow có thể chuyển Đại sứ quán sang Tây Jerusalem “sau khi người Palestine và Israel đồng ý xong tất cả các vấn đề về tình trạng cuối cùng của các lãnh thổ của người Palestine”.
Bộ Ngoại giao Nga, trong một tuyên bố được Israel xem là một bất ngờ, cho biết họ coi “Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai. Đồng thời, chúng tôi phải khẳng định rằng trong bối cảnh này, chúng tôi xem Tây Jerusalem là thủ đô của Israel”.
Hôm thứ Tư, ông Trump cho biết ông đang chỉ đạo Bộ Ngoại giao ngay lập tức lập kế hoạch thiết kế Đại sứ quán Hoa Kỳ tại thánh địa Jerusalem. Tuy nhiên, theo các giới chức Tòa Bạch Ốc, trên thực tế, việc di dời Đại sứ quán Mỹ sẽ phải mất nhiều năm.
Cả hai Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đều bày tỏ quan ngại về thời điểm tuyên bố của ông Trump, theo lời các giới chức Mỹ.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng liệu tuyên bố của tổng thống có làm trì hoãn yêu cầu có hai thành viên nội các nhằm đảm bảo an ninh tại các đại sứ quán Mỹ hay không, Thư ký Tòa Bạch Ốc Huckabee Sanders trả lời rằng quyết định này chỉ được đưa ra sau “một quá trình suy nghĩ thấu đáo và có trách nhiệm” và “quyết định đã trải qua quá trình xem xét của nhiều cơ quan”.
Các giới chức Palestine nói quyết định của ông Trump đã khiến Hoa Kỳ mất tư cách là một trung gian trung thực trong tiến trình hòa bình.
Nhiều đồng minh của Mỹ cũng không đồng ý với động thái này. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập dự định sẽ họp sớm để thảo luận về hành động này.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson thì bảo vệ cho quyết định trên trong chuyến viếng thăm Vienna.
“Tất cả các văn phòng chính phủ của Israel phần lớn là ở Jerusalem, vì vậy Mỹ chỉ mới công nhận về thực tế đó”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
“Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là cho dù trong bối cảnh của những phát biểu đó, Tổng thống Mỹ cũng nói rằng Hoa Kỳ ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu đó là mong muốn của cả hai bên, và ông cũng nói rằng điều này hoàn thành không là chung cuộc cho tình trạng của Jerusalem”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga, người mà ông Tillerson đã gặp hôm thứ Năm ở Vienna, cảnh báo rằng nếu Washington sớm di chuyển sứ quán của mình tới Jerusalem, điều đó có thể gây nguy hiểm cho giải pháp hai nhà nước.
“Chúng tôi đã yêu cầu họ giải thích ý nghĩa của quyết định di chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem”, ông Sergei Lavrov nói với các nhà báo. “Chúng tôi đã yêu cầu họ giải thích những hậu quả của động thái mà người Mỹ nhìn thấy cho các nỗ lực nằm dưới sự bảo trợ của LHQ và của 4 bên điều giải cho tiến trình hòa bình Trung Ðông”.