Đường dẫn truy cập

Quyết định của TT Trump công nhận Jerusalem vấp phản ứng quốc tế  


Khu phố cố Jerusalem qua khung cửa hình ngôi sao David, hôm thứ Tư 6/12/2017. Các giới chức Mỹ nói TT Trump sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và ra lệnh cho Bộ Ngoại giao khởi sự tiến trình dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thánh địa Jerusalem. Quyết định này sẽ có hệ quả trên khắp khu vực. (AP Photo/Oded Balilty)
Khu phố cố Jerusalem qua khung cửa hình ngôi sao David, hôm thứ Tư 6/12/2017. Các giới chức Mỹ nói TT Trump sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và ra lệnh cho Bộ Ngoại giao khởi sự tiến trình dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thánh địa Jerusalem. Quyết định này sẽ có hệ quả trên khắp khu vực. (AP Photo/Oded Balilty)

Việc Tổng thống Donald Trump chuẩn bị loan báo Hoa Kỳ thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời đại sứ quán Mỹ tới thành phố này, đã vấp phải nhiều phản ứng của quốc tế. Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức một buổi họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để phối hợp cách đáp ứng.

Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu không hề đề cập tới vấn đề này khi ông xuất hiện trước công chúng hôm nay, thứ Tư 6/12.

Ngoại Trưởng Anh Boris Johnson nói nước ông không có kế hoạch dời đại sứ quán ra khỏi Tel Aviv.

Ông Johnson nói:

“Chúng tôi coi những tin tức đã nghe được là đáng quan ngại, bởi vì chúng tôi tin rằng Jerusalem đương nhiên phải là một phần trong một giải pháp chung cuộc giữa người Israel và người Palestine – một giải pháp được thương lượng, là điều mà chúng tôi muốn chứng kiến.”

Các nước Ả rập và các nước Hồi giáo trước đó đã cảnh báo rằng bất cứ quyết định nào để dời đại sứ quán Mỹ cũng sẽ làm bùng nổ căng thẳng trong khu vực, và phá vỡ các nỗ lực bấy lâu nay của Hoa Kỳ nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa thế giới Ả rập với Israel.

Toà Bạch Ốc nói Tổng thống Trump chỉ thừa nhận một sự thực lịch sử và cận đại.

Trước khi loan báo chính thức quyết định của ông, ông Trump hôm qua (5/12) gọi điện cho 5 nhà lãnh đạo vùng Trung Đông để báo tin. Các lãnh đạo này gồm:Thủ Tướng Israel Benjamin Netanyahu, lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas, Quốc vương Abdullah của Jordani, Tổng Thống Ai Cập Mohammed Fattah el-Sissi, và Quốc vương Salman Bin Abdulaziz Al Saud của Ả Rập Xê-út .

Một tuyên bố của Toà Bạch Ốc không tiết lộ chi tiết của các cuộc điện đàm mà chỉ cho biết “các nhà lãnh đạo còn thảo luận về những quyết định tiềm tàng liên quan tới Jerusalem.”

Thông báo của Toà Bạch Ốc nhắc lại rằng ông Trump tái khẳng định cam kết sẽ đẩy mạnh tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine, và tầm quan trọng của các cuộc đàm phán đó.

Các giới chức Toà Bạch Ốc chiều tối thứ Ba nói ông Trump công nhận Jerusalem không những là thủ đô lịch sử của dân tộc Do Thái, mà còn như trụ sở của chính quyền Israel từ khi nước Israel hiện đại được thành lập vào năm 1948.

Các đại diện Liên đoàn Ả Rập gặp tại Cairo để thảo luận khả năng Mỹ dời đại sứ quán ở Israel tới Jerusalem, ngày 5/12/2017.
Các đại diện Liên đoàn Ả Rập gặp tại Cairo để thảo luận khả năng Mỹ dời đại sứ quán ở Israel tới Jerusalem, ngày 5/12/2017.

Các giới chức cho biết Tổng thống sẽ hạ lệnh cho Bộ Ngoại giao khởi sự lên kế hoạch để dời đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem, trừ phi Tổng thống ký lệnh trì hoãn mỗi 6 tháng, với lý do làm như vậy có thể đe dọa an ninh quốc gia.

Theo một đạo luật được Tổng thống Bill Clinton ký năm 1995, phải dời tòa đại sứ Mỹ tới Jerusalem trừ phi Tổng thống ký lệnh trì hoãn. Tất cả các vị Tổng thống Mỹ từ sau Tổng thống Bill Clinton, đều ký lệnh này, kể cả ông Trump.

Giáo sư môn sử học Michael Fischbach của Trường Randolph-Macon nói với VOA:

“Hoa Kỳ đã thuê một khu đất ở Tây Jerusalem với giá 1 đôla/1 năm. Nhưng muốn dời tòa đại sứ thì không những phải thực hiện một công trình xây dựng vĩ đại, mà còn phải dời nhân sự và các phương tiện tới từ Tel Aviv.”

Ông Dennis Ross là quan chức Mỹ đặc trách hòa bình Trung Đông dưới 3 đời Tổng thống. Ông từng làm việc với Israel và người Palestine để đạt Hiệp định lâm thời năm 1995. Hôm thứ Ba, ông nói ông Trump dường như đã mở cửa cho cả người Israel và người Ả rập có rộng chỗ xoay sở trong một môi trường mới có nhiều thay đổi.

Ông Ross nói trong một cuộc tiếp xúc với các nhà báo:

“Điều thiết yếu đối với Tổng thống là phải tạo ra nhiều mốc điểm cho các bạn của chúng ta để khẳng định - về cơ bản- rằng, điều này không thay đổi khả năng của người Palestine, người Ả rập vốn có khuynh hướng coi Jerusalem không những là một vấn đề Palestine mà là một vấn đề khu vực, rằng vị thế của họ, mối quan tâm của họ, và đòi hỏi của họ vẫn là một phần trong tiến trình thương thuyết, và họ không bị đặt trước một tình thế đã rồi.Theo tôi, thì đó là điểm thiết yếu trong vấn đề này.”

“Bộ trưởng Tillerson đã nêu rõ các quan điểm của ông tại Toà Bạch Ốc. Bộ Quốc phòng cũng vậy. Nhưng quyết định chung cuộc nằm trong tay của Tổng thống.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Heather Nauert

Một số giới chức ở Washington bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng phát bạo lực như một phản ứng, chống các quyền lợi của Israel và Mỹ trong khu vực.

Trả lời câu hỏi liệu Ngoại Trưởng Tillerson có ủng hộ quyết định có nguy cơ đặt các công dân Mỹ và binh sĩ Mỹ ở Trung Đông vào tình trạng nguy hiểm, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Heather Nauert nói:

“Bộ trưởng Tillerson đã làm rõ các quan điểm của ông tại Toà Bạch Ốc. Tôi tin rằng Bộ Quốc phòng cũng làm như vậy. Nhưng quyết định chung cuộc nằm trong tay của Tổng thống. Ông là người nắm quyền.”

Lãnh sự quán Mỹ hạn chế du hành đối với các nhân viên chính phủ và gia đình của họ, khuyến cáo họ tránh tới khu phố cổ Jerusalem và vùng Bờ Tây – kể cả Bethlehem và Jericho, giữa lúc đang có nhiều lời kêu gọi biểu tình.

Các đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới đã được lệnh tăng cường an ninh.

Các giới chức Toà Bạch Ốc nói khi công nhận Jerusalem như thủ đô của Israel, ông Trump thực hiện lời hứa đã đưa ra trong cuộc vận động tranh cử. Họ nói địa điểm của tòa đại sứ Mỹ không phải là một vật chướng ngại cho việc thương thuyết một hòa ước cuối cùng giữa Israel và người Palestine.

Các giới chức nói bằng cách dời đại sứ quán, Tổng thống không làm một quyết định về đường ranh giới hay chủ quyền ở Jerusalem. Đó là những vấn đề sẽ được thương lượng trong giải pháp 2 quốc gia, là điều mà theo các giới chức, ông Trump tin là đang nằm trong tầm tay.

Israel chiếm quyền kiểm soát Jerusalem trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967. Israel sau đó sáp nhập Đông Jerusalem. Israel từ bấy lâu nay vẫn tuyên bố một thành phố Jerusalem không bị chia cắt là “thủ đô vĩnh viễn” của họ. Trong khi đó, người Palestine muốn Đông Jerusalem trở thành thủ đô của một quốc gia Palestine tương lai.

Jerusalem là nơi tọa lạc Đền Al Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ 3 của Hồi giáo. Đối với người Do Thái, thì đây là Núi Đền, địa điểm linh thiêng nhất của Do thái giáo.

Ông Trump không còn được coi là một trung gian đáng tin cậy nữa
Lãnh đạo cấp cao của Palestine Nabil Shaath​

Nhà lãnh đạo cấp cao của Palestine, ông Nabil Shaath nói ông Trump không còn được coi là một trung gian đáng tin cậy nữa. Ông nói:

“Thẩm quyền Palestine không dung túng bạo lực, nhưng có thể sẽ không kiểm soát được bạo lực trên đường phố và ngăn tránh được cuộc nổi dậy thứ 3 của người Palestine.”

Ông Gerald Feierstein, Giám Đốc đặc trách các vấn đề vùng Vịnh và quan hệ chính phủ tại Viện Trung Đông ở Washington, nói mức độ giận dữ vì loan báo của Tổng thống Trump sẽ tùy thuộc phần lớn vào cách thức ông Trump nêu vấn đề.

Ông nói với VOA:

“Nếu Tổng thống chỉ nói “Chúng tôi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”, mà không nói gì hơn nữa, và không khởi sự tiến trình dời đại sứ quán, thì đây chỉ là một cơn bão trong một tách trà.”

Ông Feierstein từng là Đại sứ Mỹ tại Yemen, và sau đó là Trợ lý Ngoại Trưởng đặc trách các vấn đề Cận Đông dưới thời Tổng Thống Obama, nói nếu ông Trump đi xa hơn, thì ông sẽ vấp phải phản ứng ngược, và phá vỡ tiến trình hòa bình.

Ông nhận định:

“Nếu điều ông Trump nói được nhận thức như, hoặc trên thực tế là, hành động công nhận toàn thể Jerusalem là thủ đô của Israel, thì ông không còn có thể duy trì lập trường quốc tế rằng Jerusalem có thể được chia cắt và Đông Jerusalem có thể trở thành thủ đô của một quốc gia Palestine tương lai nếu đạt được một thỏa thuận, thì điều đó sẽ có tác động rất tiêu cực đối với tiến trình hòa bình.”

Ông nói:

“Thế cho nên những chi tiết của câu chuyện sẽ quyết định tính cách quan trọng, và ý nghĩa của loan báo của ông Trump.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG