Các nhà lãnh đạo thế giới và các nhóm bảo vệ môi trường bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rút ra khỏi hiệp định về khí hậu ở Paris, một nỗ lực toàn cầu để đối phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông Trump đã phạm một sai lầm lịch sử, và ông mời các nhà khoa học cũng như doanh nhân Mỹ sang sống bên Pháp, một đất nước có thể trở thành “quê hương thứ hai” của họ. Ông Macron nói họ có thể "cùng nhau làm việc để tìm những giải pháp cụ thể cho khí hậu, và cho môi trường". Ông Macron nói thêm rằng ở Pháp họ sẽ ra sức làm việc để "hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại", một lối chơi chữ, nhái theo khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
Thủ Tướng Đức Angela Merkel mô tả hiệp định Paris là một "bước nhảy vọt lịch sử".
Bà nói: "Quyết định của ông Trump không thể, và sẽ không ngăn cản được những người trong chúng ta cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ Trái Đất. Tôi xin nói với tất cả những ai xem trọng tương lai của hành tinh chúng ta: “xin hãy sát cánh bên nhau để tiếp tục tiến bước trên con đường này để đi đến thành công và bảo vệ Trái Đất của chúng ta".
Trong thế giới đang phát triển, nhiều nhà lãnh đạo cũng bày tỏ thất vọng. Tổng thống Ghana John Dramani Mahama nói: "Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo về một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu thiết yếu”.
Một thỏa thuận 'quá khắc nghiệt'
Ông Trump nói Hoa Kỳ rút ra khỏi một thỏa thuận mà theo ông, áp đặt những gánh nặng "quá khắc nghiệt", tốn kém hàng tỷ đô la, tác động tới hàng triệu công việc làm ăn tại Hoa Kỳ.
Ông mô tả hiệp định Paris là "không công bằng" đối với Mỹ, và có lợi cho các nước lớn gây ô nhiễm khác, như Trung Quốc và Ấn Độ. Ông nói ông sẵn sàng "đàm phán lại” để tái gia nhập Hiệp định Paris.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Châu Âu lập tức dập tắt hy vọng của nhà lãnh đạo Mỹ rằng ông có thể thương thuyết lại hiệp định Paris.
Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo Đức, Pháp và Ý khẳng định:
"Chúng tôi chắc chắn là thỏa thuận này không thể được đàm phán lại".
Các nước ký kết Hiệp định Paris cam kết sẽ cố gắng giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn tới hiện tượng hâm nóng địa cầu. Hiện tượng này bị quy cho là nguyên nhân gây tan băng và sông băng, làm mực nước biển dâng cao và làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.
Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ xếp vào hạng nhì, và giờ được ghi vào danh sách các nước không tham gia hiệp định Paris, cùng với chỉ có hai nước khác là Nicaragua và Syria.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu nói rằng tuân thủ Hiệp định Paris là "trách nhiệm của Trung Quốc trong cương vị là một nước lớn có trách nhiệm".
Phát biểu hôm 2/6 ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói:
"Chúng tôi tin rằng hiệp định Paris phản ánh sự nhất trí rộng rãi nhất của cộng đồng quốc tế để loại bỏ thay đổi, và các bên nên trân trọng kết quả khó khăn lắm mới đạt được này".
Ông Trump giải thích rằng Hoa Kỳ phải rút ra khỏi hiệp định vì các quyền lợi của Mỹ. Ông nói: "Tôi được bầu lên để đại diện cho cư dân Pittsburgh chứ không phải cho Paris."
Tuy nhiên thị trưởng thành phố Pittsburgh, ông Bill Peduto, đơn vị bầu cử nơi bà Hillary Clinton chiếm được 80% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi, nói "Pittsburgh sát cánh với thế giới và sẽ tuân thủ Hiệp định Paris."
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người đã đứng ra làm trung gian điều giải để đi đến Hiệp định Paris, nói:
"Ngay cả khi thiếu vắng sự lãnh đạo của Mỹ, ngay cả khi chính quyền ông Trump nhập đoàn với một vài nước để gạt tương lai sang một bên, tôi tin rằng các tiểu bang của Hoa Kỳ, các thành phố và doanh nghiệp Mỹ sẽ bước lên và làm nhiều hơn nữa để dẫn đường, và giúp bảo vệ hành tinh duy nhất mà chúng ta có, cho các thế hệ tương lai."
Mất vai trò lãnh đạo
Tại Australia, thủ lãnh đảng Xanh Richard Di Natale nói bằng cách rút ra khỏi Hiệp định Paris, "Donald Trump chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không còn có thể tự coi là một nước lãnh đạo thế giới".
Ông Koichi Yamamoto, bộ trưởng môi trường Nhật Bản nói: "Làm như vậy chẳng khác nào Mỹ đã quay lưng với sự khôn ngoan của nhân loại".
Ông nói ông thất vọng đã đành, mà còn cảm thấy phẫn nộ về quyết định của ông Trump.
Thủ tướng Tuvalu nói đảo quốc Thái Bình Dương của ông trong Thế chiến II, "từng là một bệ phóng" cho Hoa Kỳ nhưng bây giờ "khi chúng tôi đang đối mặt với cuộc chiến lớn nhất thời đại, Mỹ lại bỏ rơi chúng tôi."
Ông Voreqe Bainimarama, người sẽ chủ trì hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu ở Đức vào cuối năm nay, nói: "Trong khi mất sự lãnh đạo của Hoa Kỳ là điều đáng tiếc, nhưng cuộc đấu tranh chống hậu quả của biến đổi khí hậu còn lâu mới chấm dứt."
Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ sự thất vọng của ông trong một cuộc điện đàm với ông Trump. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Canada nói ông cảm thấy được khích lệ bởi "đà tiến của phong trào chống hậu quả của biến đổi khí hậu và chuyển tiếp sang các nền kinh tế tăng trưởng sạch".
Thủ tướng Anh Theresa May nói với ông Trump trong một cuộc điện đàm:
"Hiệp định Paris cung cấp một khung hành động toàn cầu để bảo vệ sự thịnh vượng và an ninh của các thế hệ tương lai, trong khi vẫn duy trì năng lượng giá phải chăng và an toàn cho người dân và doanh nghiệp của chúng ta".
Mạng lưới Hành động để bảo vệ Môi trường nói quyết định của Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định Paris "báo hiệu chính quyền Trump hoàn toàn xa rời với thực tế và thế giới còn lại".
Tổ chức Hòa bình Xanh- Greenpeace nói:
"Bằng cách rút khỏi hiệp định Paris, ông Trump biến Hoa Kỳ từ một nước lãnh đạo thế giới về khí hậu thành một nước lạc hậu liên quan tới khí hậu."
Ông Venki Ramakrishnan, Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia Anh, nói:
"Tương lai là những công nghệ mới, sạch hơn và có thể tái tạo, chứ không phải là nhiên liệu hóa thạch. "Các công nghệ mới sẽ giúp ích cho cuộc chiến chống nạn ô nhiễm không khí và đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn cầu. Tổng thống Trump không đặt các lợi ích của nước Mỹ lên trên hết, mà ông ta đang trói chặt nước Mỹ vào quá khứ."