Đường dẫn truy cập

Trump – 100 Ngày Đầu: Một ông già bảo vệ biên giới bằng drone


Ông Glenn Spencer và chiếc máy bay thu hình không người lái tại biên giới bang Arizona.
Ông Glenn Spencer và chiếc máy bay thu hình không người lái tại biên giới bang Arizona.

Mười lăm năm trước, ông Glenn Spencer đã chuyển tới biên giới phía Nam để theo đuổi nỗi ám ảnh bấy lâu nay: "bảo vệ an ninh biên giới". Người đàn ông quê ở California cho biết ông đã phát giác và báo cáo nhiều vụ vượt biên trái phép bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến -- máy bay thu hình không người lái. Ông không hối tiếc việc đã lật ngược số phận của nhiều người. Phóng viên VOA Ramon Taylor đưa chúng ta đến trang trại của ông Spencer ở quận Cochise, bang Arizona.

Ông Glenn Spencer không phải là nhân viên tuần tra biên giới, nhưng điều đó đã không ngăn cản ông phát triển công nghệ máy bay ghi hình không người lái ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico.

Ông Spencer nói: “Các máy tính đang ghi nhận thông tin trong khoảng cách 5 dặm, và mỗi khi có động đậy, máy tính sẽ báo: ‘Kia! có người ở kia.’”

Tổ chức của ông Spencer có tên là 'Tuần tra Biên giới Mỹ” bị Trung tâm Tư vấn pháp lý cho người nghèo miền nam liệt vào nhóm thù hận. Mỗi vụ phát giác và báo cáo của ông đều khiến cho người bị phát hiện, những người đã mạo hiểm vượt qua sa mạc Sonoran đầy nguy hiểm, phải chịu những hậu quả nghiêm trọng. Mặc dù không nhớ hết đã phát hiện bao nhiều vụ, ông tự hào nói rằng ông đã báo cáo đến hàng trăm vụ người vượt biên không có giấy tờ trong khoảng 15 năm qua.

Ông Spencer cho biết ông đã tự bỏ ra cả triệu đô la cho hoạt động theo dõi dọc biên giới. Ông xem công việc của ông là lý do tại sao ông có mặt trên trái đất."

Ông Spencer nói: "Tôi theo dõi vào đào sâu tìm hiểu. Càng theo dõi, tìm hiểu sâu, tôi càng phát hiện ra tình trạng vượt biên trái phép hết sức nghiêm trọng... "

Việc làm của ông Spencer là nhằm phơi bày cái gọi là sự thật về nhập cư bất hợp pháp, nhưng những phát hiện của ông thì rất nhiều, từ những mưu đồ thâm sâu cho đến những âm mưu ngay trước mắt. Ông tin rằng người Mexico âm mưu xâm nhập miền tây nam Hoa Kỳ và biến khối cử tri ở đây thành của họ. Ông lo ngại về tỉ lệ dân số trong khu vực đang thay đổi theo chiều hướng người da trắng bị lấn át, không còn chiếm đa số nữa.

Ông Spencer nói: "Đây không phải là sự thay đổi tự nhiên. Tình trạng này phần lớn là do người nhập cư bất hợp pháp gây ra. Họ dùng chiêu ‘cắm dùi bằng trẻ em’ rồi tiến đến đoàn tụ gia đình. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải chấm dứt việc này, bởi vì nếu có một khối người gốc Châu Mỹ La tinh lớn mạnh, họ sẽ khuynh đảo các cuộc bầu cử."

Bà Juanita Molina, giám đốc Mạng lưới hành động biên giới, nói rằng có nhiều cư dân dọc theo biên giới phía Nam có cùng quan điểm đó. Họ chỉ thấy sự khác biệt ở những người nhập cư.

Juanita Molina nói:

"Bạn thấy được xu hướng đó. Bạn thấy được tư tưởng đó trong nhiệm kỳ tổng thống hiện nay, một văn hoá kỳ thị. Cảm nhận về nước Mỹ mà họ từng có trước đây đã biến mất và đang bị đánh cắp bởi tư tưởng bài ngoại – một quan điểm phân biệt chủng tộc. "

Ông Mo Goldman, một luật sư nhập cư thế hệ đầu, nói những người có tư tưởng như ông Spencer có mặt ở mọi nơi.

Ông Mo Goldman nói: "Quan điểm của họ là 'Chúng tôi yêu nước. Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới, chúng tôi sẽ bắt những người vượt biên và báo cho an ninh biên giới.’ Nếu đó là những gì họ muốn, cũng tốt thôi. Theo tôi rất nhiều người trong cộng đồng này cho rằng đó không phải là điều đúng đắn, và họ bác bỏ lối suy nghĩ đó."

Sau cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, tổ chức của ông Spencer có dấu hiệu hoạt động chậm lại. Ông nói rằng các khoản đóng góp cho tổ chức ông giảm nhiều, do những người có tư tưởng cứng rắn với việc nhập cư giảm tài trợ, vì họ tin là cuối cùng họ đã có một tổng thống kiên quyết bảo vệ biên giới. Nhưng dù có hay không được hỗ trợ tài chính, ông Spencer vẫn không bỏ cuộc. Miễn là còn chiếc máy bay ghi hình, thì ông vẫn tiếp tục giám sát biên giới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG