Tổng thống Donald Trump đánh dấu 100 ngày đầu nhiệm kỳ vào thứ Bảy 29/4 này giữa lúc những tranh cãi đang nổi lên mạnh về việc liệu ông đã thực hiện những gì hứa hẹn trong quá trình tranh cử hay chưa. Dấu mốc 100 ngày để đo mức độ thành công của các tổng thống được áp dụng từ khi Tổng thống Franklin Roosevelt nhậm chức vào đúng cao điểm của cuộc Đại suy thoái kinh tế năm 1933 và ông đã thực thi một loạt biện pháp để khắc phục ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Dấu mốc 100 ngày cũng là thời điểm để Ðảng Dân chủ đối lập đánh giá chiến lược tiếp cận của họ với tân tổng thống.
Các đảng viên Dân chủ tập trung sức mạnh tại các diễn đàn cử tri trong các cuộc vận động bầu cử Quốc hội. Họ tăng áp lực lên các đảng viên Cộng hòa – chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Jeff Flake của bang Arizona – về sự ủng hộ của họ đối với Tổng thống Trump.
Ông Flake nói: “Có những điều tôi nhất trí với ông Trump, và có những điều tôi không đồng ý với ông Trump."
Những người theo Ðảng Dân chủ cũng tham gia các cuộc biểu tình mới đây phản đối việc Tổng thống Trump không chịu công bố bản khai thuế thu nhập. Phe Dân chủ đang tập trung vào cuộc bầu cử Quốc hội đặc biệt ở bang Georgia vào tháng 6 mà nhiều người xem đó như là một cuộc trắc nghiệm về mức độ công chúng ủng hộ ông Trump.
Cựu ứng cử viên tổng thống Bernie Sanders thuộc số những người tìm cách gầy dựng uy lực mới tìm được cho đảng qua chuyến vận động toàn quốc.
Thượng nghị sĩ Sanders: “Đó là việc tái thiết Ðảng Dân chủ và biến nó thành đảng của toàn dân, đảng của mọi người thuộc tất cả các thành phần.”
Mặc dù phe Dân chủ ra sức trui rèn vũ khí để chống ông Trump, Tổng thống Trump có thể sẽ vẫn phải mưu tìm sự hỗ trợ của họ tại Quốc hội để tránh một cuộc khủng hoảng ngân sách đang đe dọa bùng ra.
Tổng thống Trump nói: “Về việc giữa cho chính phủ hoạt động, theo tôi, tôi muốn giữa cho chính phủ tiếp tục hoạt động. Chắc quý vị đồng ý chứ?”
Phe Dân chủ đẩy mạnh chống đối có thể khiến cho các hy vọng của Tổng thống Trump khó đạt được.
Bà Sarah Binder, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Brookings, nhận định: “Theo tôi, phe Dân chủ đã rút được kinh nghiệm từ bài học hợp tác. Trừ phi bạn thực sự cần chính sách hợp tác đó, bằng không nó sẽ không giúp thu phục được cử tri cho đảng. Do đó phe Dân chủ sẽ bị nhiều áp lực chính trị trong trong việc hợp tác, và tôi đoán là sẽ không có sự hợp tác đáng kể nào.”
Ông Trump cũng gặp phải những chia rẽ tiếp tục diễn ra ngay trong nội bộ Ðảng Cộng hòa về luật chăm sóc sức khỏe và các vấn đề khác.
Chuyên gia William Galston của Viện nghiên cứu Brookings nhận định: “Trong cương vị tổng thống, bạn cần phải có chiến lược đoàn kết với bè bạn, và khiến kẻ thù chia rẽ. Cho đến giờ, tổng thống làm ngược lại hoàn toàn. Ông ấy không dự tính như vậy, nhưng ông ấy đã làm như vậy.”
Giáo sư Jeremy Mayer của đại học George Mason nói với VOA qua Skype rằng đẩy mạnh tối đa chống đối ông Trump của cũng có những rủi ro: “Triệt để chống đối bằng mọi cách có thể không phải là chiến lược tổng thể đúng của Ðảng Dân chủ ngay vào lúc này. Luôn có một ai đó hết sức mong muốn thực hiện một điều gì đó sẽ sẵn sàng thương lượng với đảng bên kia để tìm ra một một giải pháp dung hòa.”
Phe Dân chủ đẩy mạnh chống đối ông Trump kết hợp với những cú vấp chính trị của ông Trump dường như là cơ hội thật hiếm có để Ðảng Dân chủ xây dựng lại hình ảnh của mình sau thất bại thảm hại của bà Hillary Clinton hồi năm ngoái.