Năm kỷ lục phóng phi đạn của Triều Tiên 2022 cho thấy họ sẵn sàng đổ nguồn lực vào sản xuất và triển khai nhiều vũ khí hơn bao giờ hết, một phần được hỗ trợ bởi các mạng lưới cung cấp tài chính và vật chất ở nước ngoài, các nhà phân tích nói.
Tuần trước, nước này đã bắn hơn 80 phi đạn, bao gồm phi đạn đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mới nhất và một biến thể mới của phi đạn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tính đến nay, tuần rồi là tuần lễ mà Triều Tiên phóng nhiều phi đạn nhất.
Mặc dù chi phí vũ khí của Triều Tiên không được tiết lộ, nhưng ICBM ở các nước khác có thể lên tới hàng chục triệu đô la, và SRBM như Iskander của Nga lên tới 3 triệu đô.
Các nhà phân tích cho rằng việc Bình Nhưỡng sẵn sàng bắn các thiết bị đắt tiền như vậy xuống biển cho thấy chương trình phi đạn của đất nước nghèo khó gặp ít trở ngại mặc dù bị cấm bởi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Ông Mason Richey thuộc Đại học Ngoại giao Hankuk của Seoul cho biết Triều Tiên phải có đủ nhiên liệu và phi đạn, bao gồm cả máy móc phức tạp như động cơ và hệ thống dẫn đường, khả năng sản xuất vũ khí mới nhanh chóng hoặc khả năng mua những gì họ cần từ nước ngoài.
Ông nói: “Nhìn từ cách nào đi nữa thì đều thấy rằng các biện pháp trừng phạt đã và sẽ kém hiệu quả như thế nào.”
Nhiều vụ phóng phi đạn trong vài tuần qua là SRBM, một số trong số đó dường như đã được chuyển giao cho các đơn vị tác chiến. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy các phi đạn loại SCUD cũ hơn cũng đã được bắn.
Ông Markus Schiller, một chuyên gia về phi đạn ở châu Âu, cho biết: “Các vụ phóng cho thấy họ có nhiều phi đạn đó trong kho.”
Ông nói, ngay cả những SRBM mới nhất thì cũng đã vài năm tuổi, điều đó có nghĩa là Triều Tiên có thể có một kho dự trữ, ngay cả khi nước này chỉ có thể xây dựng chúng với tốc độ chậm. Ông nói thêm rằng một số, chẳng hạn như KN-25 SRBM, “chắc chắn được thiết kế để sản xuất với số lượng cao hơn.”
Mạng lưới nước ngoài
Phạm vi hỗ trợ của nước ngoài cho chương trình phi đạn của Triều Tiên đang được tranh luận sôi nổi.
Hàn Quốc có thể phát hiện ra manh mối mới về cách thức chế tạo phi đạn của Triều Tiên khi nước này phân tích các mảnh vỡ thu hồi được từ một SRBM rơi ngoài khơi vào tuần trước.
Khi Hàn Quốc thu thập mảnh vỡ của các rốc-két Unha của Triều Tiên vào năm 2012, họ cho biết đã tìm thấy các bộ phận từ Anh, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên Xô cũ.
Các nhà phân tích và chuyên gia chế tài cho rằng Triều Tiên tiếp tục dựa vào nguyên liệu và các đầu vào khác từ nước ngoài.
Ông Hugh Griffiths, cựu điều phối viên của một nhóm chuyên gia của Liên hiệp quốc theo dõi các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và hiện là một nhà tư vấn trừng phạt độc lập cho biết: “Nga và Trung Quốc là nơi đặt trụ sở của hầu hết các đại lý mua sắm phi đạn đạn đạo ở nước ngoài của Triều Tiên.”
Hôm thứ Ba, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã trừng phạt hai người Triều Tiên làm việc cho Air Koryo, hãng hàng không hàng đầu của nước này.
Họ bị cáo buộc mua sắm và vận chuyển vật liệu quân sự, bao gồm cả các bộ phận điện tử, từ Trung Quốc thay mặt cho Bộ Công nghiệp Phi đạn của Triều Tiên và cơ quan tình báo chính của nước này, là Tổng cục Trinh sát.
Một loan báo của chính phủ Mỹ cho biết trong số các công nghệ và vật liệu mà Triều Tiên tìm kiếm nhiều nhất là các xe hạng nặng nhiều trục để vận chuyển và phóng phi đạn đạn đạo; thép, nhôm và các vật liệu đặc biệt có chứa titan; sợi carbon và ống cuốn để chế tạo rốc-két nhẹ; và chất đẩy rắn, bao gồm bột nhôm và amoni peclorat.
“Để có được những thành phần này, Triều Tiên sử dụng một mạng lưới đại lý mua sắm rộng khắp ở nước ngoài, bao gồm các quan chức hoạt động từ các cơ quan ngoại giao hoặc văn phòng thương mại của Triều Tiên, cũng như các công dân nước thứ ba và các công ty nước ngoài”, loan báo nói.
Triều Tiên muốn nhập khẩu khoảng 100 tấn thuốc phóng ở dạng rắn vào năm 2030, vẫn theo loan báo vừa kể. Ông Griffiths cho biết các vật liệu khác nhỏ, không có gì đặc biệt và dễ buôn lậu.
Ông nói: “Trong một số trường hợp, chúng có thể được vận chuyển bằng cách sử dụng các nhà chuyển vận hàng hóa nhanh như DHL.”
Năm nay, Hoa Kỳ đã trừng phạt cái mà họ gọi là “một mạng lưới các cá nhân và thực thể có trụ sở tại Nga đồng lõa trong việc giúp CHDCND Triều Tiên mua sắm các bộ phận cho các hệ thống phi đạn đạn đạo bất hợp pháp của mình,” trong đó có một nhà ngoại giao Triều Tiên ở Moscow.
Mỹ cũng nêu đích danh các mạng lưới của Triều Tiên và các công ty có trụ sở tại Belarus và Trung Quốc.
Nga cho biết họ không có bất kỳ thông tin nào liên quan tới các cáo buộc về việc làm bất hợp pháp. Trung Quốc cho biết họ đã điều tra các tuyên bố và không tìm thấy bằng chứng.
Cả hai nước đều nói họ thực thi các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Diễn đàn