Đường dẫn truy cập

Mỹ, đồng minh chuyển từ kiềm chế Triều Tiên phát triển hạt nhân sang ngăn chặn sử dụng


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu trước Quốc hội sau khi thông qua luật về chính sách vũ khí hạt nhân ngày 8/9/2022.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu trước Quốc hội sau khi thông qua luật về chính sách vũ khí hạt nhân ngày 8/9/2022.

Triển vọng về một vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên cho thấy các lựa chọn hạn chế đối với Washington và các đồng minh, những nước đã sẵn sàng “ngăn chặn” Bình Nhưỡng thông qua các cuộc tập trận quân sự lớn mà một số quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm cho rằng có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng.

Vào tháng 10, Hàn Quốc tuyên bố một vụ thử hạt nhân mới sẽ vấp phải phản ứng “vô song” từ các đồng minh - nhưng vẫn chưa rõ biện pháp nào sẽ giúp không lặp lại tình trạng cũ.

Nhiều năm trừng phạt, áp lực ngoại giao và phô trương lực lượng quân sự đã không ngăn được Triều Tiên phát triển và mở rộng kho vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo tầm xa có thể vươn tới Mỹ.

Giờ đây, khi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã trưởng thành và được triển khai, Hoa Kỳ và các đồng minh đang tìm cách ngăn cản Triều Tiên khỏi các hành động quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup tuần trước cho biết trọng tâm của các nỗ lực đối phó với Triều Tiên nên được chuyển từ kiềm chế phát triển vũ khí hạt nhân sang ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Chúng tôi có kế hoạch mở rộng phạm vi tham gia của chúng tôi trong việc chia sẻ thông tin tình báo, lập kế hoạch, tập trận và diễn tập,” ông nói với một ủy ban các nhà lập pháp.

Một quan chức của Bộ nói với Reuters rằng ông Lee không ủng hộ ý tưởng thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, mà là nhấn mạnh sự cần thiết ngay lập tức để ngăn Triều Tiên sử dụng vũ khí này.

Ông Daniel Russel, một cựu quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ, nói: “Ông Lee đang nói dõng dạc những gì các nhà hoạch định chính sách ở Seoul và Washington đang nghĩ - đó là trong khi phi hạt nhân hóa là mục tiêu cuối cùng, ngăn chặn Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu hiện nay”.

Tập trung vào việc ngăn chặn

Khi được hỏi về bình luận của ông Lee, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết Mỹ và Hàn Quốc đang sát cánh đồng thuận trong nỗ lực tìm kiếm “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên”.

Phát ngôn viên này nói : “Chúng tôi tiếp tục ưu tiên ngoại giao, nhưng đồng thời tiếp tục cùng nhau tăng cường răn đe và làm việc để hạn chế sự tiến bộ của các chương trình vũ khí bất hợp pháp (của Triều Tiên)”.

Một số nhà phân tích coi bình luận của ông Lee là dấu hiệu mới nhất cho thấy Washington và Seoul đang đối mặt với thực tế rằng Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Nhưng họ lưu ý rằng trọng tâm cho đến nay vẫn là răn đe hơn là giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như đàm phán để giới hạn số lượng vũ khí của Triều Tiên và ngăn chúng được phổ biến.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel từ chối nêu rõ những biện pháp mà Washington sẽ thực hiện nếu Triều Tiên thử bom hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 2017, nhưng trích dẫn các lệnh trừng phạt và tập trận quân sự là ví dụ về các công cụ mà nước này có thể sử dụng để “buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm”.

Các nhà quan sát dự kiến Trung Quốc và Nga sẽ lên án một vụ thử hạt nhân mới, nhưng không có khả năng ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới, mà họ cho rằng đã thất bại và chỉ gây hại cho những người Triều Tiên bình thường.

Bản Đánh giá Tư thế Hạt nhân mới phát hành của Hoa Kỳ cho biết chế độ của Kim Jong Un sẽ bị tiêu diệt nếu tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

‘Giảm âm lượng’

Vào đầu tháng 10, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ nói việc triển khai hiếm hoi một tàu sân bay tới Hàn Quốc có thể khơi mào một phần cơn thịnh nộ của ông Kim Jong Un.

Một cuộc tập trận lớn khác đã bắt đầu vào ngày 31/10 với hàng trăm máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và Hoa Kỳ, bao gồm cả một cuộc triển khai hiếm hoi máy bay chiến đấu F-35B của Mỹ.

Các cuộc tập trận, một trọng tâm của phản ứng đồng minh, đã đối mặt với các đợt thử phi đạn hoặc các cuộc tập trận quân sự mới của Triều Tiên.

Ông Patel nói các gợi ý cho rằng các cuộc tập trận này đang làm trầm trọng thêm căng thẳng là “điên rồ”. Ông Duyeon Kim, thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ có trụ sở tại Hoa Kỳ, lưu ý rằng căng thẳng gia tăng không phải lúc nào cũng tương quan với các cuộc tập trận.

Ông Kim nói: “Bình thường hóa các cuộc tập trận kết hợp nhằm tăng cường sự sẵn sàng và công bố chúng một lần nữa nhằm mục đích răn đe Triều Tiên và trấn an người dân Hàn Quốc”.

Một cựu quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với Reuters rằng mặc dù các cuộc tập trận được tăng cường đảm bảo sự sẵn sàng, nhưng việc công khai và quảng bá rầm rộ xung quanh chúng có thể phản tác dụng.

Ông nói họ làm điều đó vì họ muốn gửi một thông điệp tới Triều Tiên rằng họ nghiêm túc nhưng “việc này không giúp ích gì cả.”

Khi các nhà lãnh đạo chính trị nói rằng các cuộc tập trận đã được thu hẹp lại trong những năm trước để tạo điều kiện cho hoạt động ngoại giao, điều đó thường có nghĩa là các cuộc tập trận chỉ không được công bố rộng rãi, cựu quan chức này nói và nhấn mạnh rằng những ngôn từ hiện nay dường như đã đi quá xa theo hướng khác.

“Một cách để giảm căng thẳng là giảm âm lượng xuống một chút và xem liệu điều đó có hữu ích không.”

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG