Đường dẫn truy cập

Người phụ nữ gốc Việt kiện các công ty Mỹ: 'Cuộc chiến cuối cùng' vì công lý cho nạn nhân chất độc da cam


Bà Trần Tố Nga tại một buổi tập hợp trước Tháp Eiffel ở Paris, Pháp, hôm 30/1, vài ngày sau phiên toà xử vụ kiện của bà chống lại các công ty sản xuất chất độc da cam cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh.
Bà Trần Tố Nga tại một buổi tập hợp trước Tháp Eiffel ở Paris, Pháp, hôm 30/1, vài ngày sau phiên toà xử vụ kiện của bà chống lại các công ty sản xuất chất độc da cam cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh.

Bà Trần Tố Nga, người từng tham gia lực lượng Bắc Việt trong chiến tranh chống lại quân đội Mỹ, giờ đây đang tiếp tục cuộc chiến mà bà gọi là “cuối cùng” trước các công ty cung cấp chất độc da cam cho chính phủ Mỹ để rải trong chiến tranh Việt Nam

Vụ kiện của bà Trần Tố Nga, một phụ nữ Pháp gốc Việt, chống lại công ty Dow, Monsanto và các nhà sản xuất chất độc da cam khác vì đã cung cấp loại hoá chất khai quang độc hại này cho quân đội Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Việt Nam, đã bị một toà án ở Pháp bác bỏ.

Nhưng người phụ nữ 79 tuổi không bỏ cuộc.

Từ Paris, bà Nga nói với VOA rằng bà và luật sư đang chuẩn bị hồ sơ để kháng cáo.

“Tôi muốn kiện để có một án lệ mà trên cơ sở đó các nạn nhân chất độc da cam ở các nước trên thế giới có thể đi tìm công lý cho chính mình,” bà Nga cho biết.

Vụ kiện 7 năm

Bà Nga bắt đầu nộp đơn lên toà đại hình ở Evry của Pháp vào năm 2014 trong vụ kiện ban đầu chống lại 26 công ty sản xuất chất độc da cam trong thời gian chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam sau nhiều năm chuẩn bị.

Theo luật của Pháp, các công dân của nước này có thể kiện các công ty hoặc các cá nhân nước ngoài cho dù tội ác xảy ra ở bên ngoài nước Pháp. Luật sư của bà Nga đã mở một vụ kiện quốc tế để bảo vệ công dân Pháp, trong trường hợp này là bà, chống lại các công ty ở một nước khác, dù sự việc xảy ra ở Việt Nam tại thời điểm mà lúc đó bà chưa phải là công dân Pháp.

Bà Nga trở thành công dân Pháp năm 2004 sau khi được chính phủ Pháp trao Huân chương Bắc đẩu Bội tinh vì những đóng góp cho “mối quan hệ hữu nghị” giữa hai nước.

Sinh ra ở Sóc Trăng, bà Nga tham gia “đấu tranh” cùng lực lượng của quân Bắc Việt khi làm phóng viên chiến trường cho Thông Tấn Xã Việt Nam trong những năm giữa và cuối thập niên 1960. Bà cho biết trong thời gian này, bà bị phơi nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam để khai quang các khu vực có quân Bắc Việt trú ẩn.

Bà Nga trong bức ảnh chụp năm 1969 khi là phóng viên chiến trường của Thông Tấn Xã Việt Nam.
Bà Nga trong bức ảnh chụp năm 1969 khi là phóng viên chiến trường của Thông Tấn Xã Việt Nam.

Tuy nhiên bà Nga không nhận ra mình là nạn nhân của chất da cam cho đến khi tham gia các chuyến từ thiện nơi bà gặp các cháu bé khuyết tật do ảnh hưởng của chất da cam.

“Từ năm 2008, tôi quan tâm nhiều hơn đến chất da cam và phát hiện ra mình cũng là một nạn nhân của chất độc này,” bà Nga nói và cho biết từ năm 2009 bà bắt đầu chuẩn bị cho vụ kiện, trong đó có việc xét nghiệm tại một phòng thí nghiệm của Đức với kết quả cho thấy nồng độ dioxin trong máu của bà cao hơn người bình thường.

Đứa con đầu lòng của bà Nga mất khi mới hơn 1 tuổi vì bệnh tim mà bà cho rằng do ảnh hưởng của chất da cam. Hai người con gái của bà được sinh ra sau đó cũng có vấn đề về sức khoẻ và bản thân bà bị tiểu đường tuýp 2 và ung thư, hai trong số các chứng bệnh và biểu hiện liên quan tới chất da cam được liệt kê trong danh sách của chính phủ Mỹ cho các cựu binh tham gia chiến tranh Việt Nam nhận trợ cấp.

Nếu vì riêng tôi thì tôi không kiện. Nhưng 4 triệu nạn nhân da cam Việt Nam đang chờ một cơ may. Nếu mình không đi nữa thì cơ may sẽ không có.
Trần Tố Nga, nạn nhân chất độc Da cam


Tại phiên toà đầu tiên vào tháng 4/2016, 19 công ty đồng ý ra hầu toà. Trải qua 19 phiên toà thủ tục, phiên xử vụ kiện của bà diễn ra vào ngày 25/1 năm nay sau vài lần bị trì hoãn, với đại diện của 14 công ty có mặt.

Ngày 10/5, toà án ở Evry bác bỏ vụ kiện của bà. Trong thông báo về kết quả của toà án mà VOA được xem, toà này nói rằng họ không có thẩm quyền xét xử một vụ án liên quan đến các hành động trong thời gian chiến tranh của Chính phủ Mỹ và rằng các công ty này chỉ làm theo lệnh của Chính phủ Hoa Kỳ.

“Ngày 10/5, toà lại tuyên bố không có thẩm quyền xét xử hay nói ngược lại là toà không chấp đơn của tôi,” bà Nga nói. “ Lập luận của toà thành ra giống như lập luật của các luật sư cho các công ty Mỹ.”

Ai chịu trách nhiệm?

“Nó cho thấy rằng, ở mức độ này, họ cũng áp dụng cùng một lập luận như các tòa án Hoa Kỳ,” ông Chuck Searcy, người từng là đại diện Quỹ Cựu binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), nói với VOA từ Hà Nội.

Các toà án ở Mỹ từng ba lần bác bỏ các vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam. Một trong số đó là vụ kiện vào năm 2008 do Hiệp hội Nạn nhân chất Da cam/Dioxin (VAVA) đứng ra thay mặt cho nhiều nạn nhân người Việt Nam kiện 37 công ty hoá chất của Mỹ từng sản xuất chất độc hoá học được dùng trong chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Mỹ nói rằng không có mối liên hệ nào được khoa học chứng minh để hỗ trợ những tuyên bố cho rằng chất dioxin đã gây độc hại tới những nạn nhân của Việt Nam.

Trong thời gian chiến tranh từ 1962 đến 1971, các máy bay của Mỹ đã rải khoảng 19 triệu gallon (gần 72 triệu lít) chất diệt cỏ, trong đó có ít nhất là 11 triệu gallon (41,6 triệu lít) chất da cam, xuống các khu rừng của Việt Nam, nơi có quân Việt Cộng trú ẩn, theo thống kê của Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Dow và Monsanto không trả lời yêu cầu bình luận của VOA nhưng công ty Dow Chemical cho biết trên trang web chính thức rằng công ty này cùng với Monsanto và các công ty khác bị chính phủ Mỹ bắt phải sản xuất chất Da cam theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950 của Hoa Kỳ giành riêng cho quân đội.

“Các toà án của Mỹ luôn phán quyết rằng Dow và các nhà sản xuất khác không chịu trách nhiệm về việc phát triển và sử dụng chất Da cam trong Chiến tranh Việt Nam, và đã bác bỏ tất cả các khiếu nại pháp lý chống lại họ,” theo tuyên bố của Dow.

Dow, Monsanto và các công ty khác bị chính phủ Mỹ bắt phải sản xuất chất Da cam theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950 của Hoa Kỳ giành riêng cho quân đội.
Dow Chemical


Trong vụ kiện của mình, bà Nga và nhiều nhà hoạt động đã đặt kỳ vọng vào toà án Pháp để buộc các công ty này chịu trách nhiệm. Bà cho biết bà “không ngờ (toà) bác hẳn” đơn kiện của bà và điều đó phần nào “làm lung lay niềm tin” của bà về công lý.

Dow nói rằng “Chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm về các hành động quân sự của chính mình, bao gồm cả việc phát triển và sử dụng chất độc da cam ở Việt Nam.”

“Đó là cách trốn tránh được sử dụng trong nhiều thập kỷ bởi các chính phủ, đặc biệt là chính phủ Mỹ, và các công ty hoá chất ở Mỹ: ‘Đó không phải là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi được yêu cầu phải làm điều này’,” ông Searcy, người từng tham gia chiến đấu trong quân đội Mỹ ở Việt Nam từ 1966-1969 và hiện đang làm việc trong Dự án RENEW nhằm giúp các gia đình nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. “Ai đó phải chịu trách nhiệm cho những tổn hại to lớn đã được gây ra cho hàng triệu người Việt Nam và những cựu chiến binh Mỹ, những người phải gánh chịu hậu quả của việc rải chất độc này trên toàn Việt Nam trong chiến tranh. Nhưng không ai muốn chịu trách nhiệm.”

Theo bà Nga, cho đến nay chỉ có những cựu binh Mỹ tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam mới được bồi thường còn hàng triệu nạn nhân chất da cam ở Việt Nam đang phải chịu đựng di chứng của căn bệnh này mà không được đền bù.

Đạo luật về chất độc Da cam 1991 đã mở đường cho hàng trăm nghìn cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đủ điều kiện nhận trợ cấp khuyết tật của trong những năm về sau.

Dù không trực tiếp thừa nhận các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam nhưng Chính phủ Mỹ trong thập niên qua đã tăng cường các nỗ lực để giúp đỡ Việt Nam trong việc tẩy độc các điểm nóng và những khu vực bị ô nhiễm dioxin ở Việt Nam, nơi từng là các căn cứ quân sự của quân đội Hoa Kỳ. Năm 2019, Mỹ đồng ý cung cấp 65 triệu USD trong 5 năm để giúp những người dân Việt Nam bị khuyết tật nặng nề do ảnh hưởng của chất độc da cam.

Cuộc chiến cuối cùng

Khi bắt đầu vụ kiện này, bà Nga đã hơn 70 tuổi và bà cho biết nếu để kiện cho bản thân mình thì bà đã không quyết định theo đuổi.

“Nếu vì riêng tôi thì tôi không kiện,” bà Nga nói. “Nhưng 4 triệu nạn nhân da cam Việt Nam đang chờ một cơ may. Nếu mình không đi nữa thì cơ may sẽ không có.”

Ai đó phải chịu trách nhiệm cho những tổn hại to lớn đã được gây ra cho hàng triệu người Việt Nam và những cựu chiến binh Mỹ, những người phải gánh chịu hậu quả của việc rải chất độc này trên toàn Việt Nam trong chiến tranh. Nhưng không ai muốn chịu trách nhiệm.
Chuck Searcy, cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam


Chính phủ Hà Nội ước tính có khoảng 4,8 triệu nạn nhân chất da cam ở Việt Nam, trong số đó nhiều người đã truyền chất độc dioxin sang con cái của họ, khi trẻ em sinh ra với dị tật bẩm sinh qua nhiều thế hệ sau chiến tranh. Chất độc da cam chứa TCDD, chất dioxin độc hại nhất trên thế giới, và một khi được rải xuống có thể ngấm vào nước, đất và cả thực phẩm mà con người tiêu dùng.

“Tôi nghĩ các công ty này nên bị buộc phải chịu trách nhiệm,” ông Searcy nói. “Đây là một trong những vụ việc phức tạp mà công lý và sự thật bị che dấu, và các công ty hoá chất có rất nhiều tiền. Và năm này qua năm khác, ngày càng có nhiều người chết vì phơi nhiễm chất độc da cam. Và đó không phải là một tình huống đáng hy vọng nhưng chúng ta phải tiếp tục cố gắng.”

Bộ Ngoại giao Việt Nam nói “sẵn sàng hỗ trợ” bà Nga trong vụ kiện chống lại các công ty hoá chất này.

Bà Nga cho biết bà có lựa chọn hoà giải để được đền bù nhưng bà đã không làm vậy. “Hoà giải thì tôi được tiền nhưng nạn nhân Da cam không ai được gì hết… thảm hoạ da cam bị chôn vùi luôn, công lý sẽ không được đòi hỏi,” bà nói.

Sau 7 năm theo đuổi vụ kiện, bà Nga nói bà vui mừng vì đã “làm cho thảm hoạ chất độc Da cam được sống dậy”. Bà gọi đây là cuộc chiến cuối cùng của mình để tìm công lý cho hàng triệu nạn nhân da cam của Việt Nam và những nghị lực sống của các cháu bé khuyết tật và ý chí chiến thắng của những nạn nhân chất da cam đã thôi thúc bà Nga có thêm quyết tâm để đi đến cùng trong cuộc chiến này. Ngày 18/6, bà Nga và luật sư của mình đệ đơn kháng cáo lên toà phúc thẩm.

Bà Nga nói “bệnh tật có thể không tha” cho bà và bà “có thể không thấy được phần cuối” của “cuộc chiến” nhưng bà tin là công lý sẽ chiến thắng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG