Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay (20/1) nói rằng giàn khoan dầu nước sâu của họ không hoạt động trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, sau khi Việt Nam phản đối và cảnh báo Bắc Kinh chớ nên tiến hành các hoạt động khoan tại nơi này.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu tại cuộc họp báo thường lệ, nói rằng “giàn khoan Hải Dương 981 đang hoạt động trong vùng biển do Trung Quốc kiểm soát, hoàn toàn không nằm trong khu vực tranh chấp.”
Ông Hồng Lỗi nói: “Tôi hy vọng rằng phía Việt Nam sẽ xem xét tình hình một cách bĩnh tĩnh, và cùng Trung Quốc tiến tới một giải pháp tương nhượng để dồn nỗ lực làm việc hầu xử lý đúng đắn các vấn đề trên biển có liên quan.”
Việt Nam đang theo dõi sát những động thái của giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc vừa đưa vào vùng biển ở ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam hôm qua (19/1) cảnh báo Trung Quốc sau khi giàn khoan tiến vào khu vực chưa phân định rõ ràng giữa hai nước.
Cục Hải Sự Trung Quốc hôm nay cho biết giàn khoan sẽ hoạt động tại địa điểm cách thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 140 km, và cách quần đảo Hoàng Sa 150 km về hướng Tây, hiện do Trung Quốc chiếm đóng, nhưng Việt Nam cho là thuộc chủ quyền của mình. Cục Hải sự Trung Quốc cho hay giàn khoan sẽ hoạt động tại đây cho tới ngày 10/3 và khuyến cáo tàu bè chớ nên tiến vào khu vực trong phạm vi 2.000 mét xung quanh địa điểm này.
Việt Nam hôm qua, 19/1, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi cửa Vịnh Bắc Bộ. Trong một thông cáo đang trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam tối thứ ba, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển đến vị trí vào tối ngày 16/1, ngày 18/1 đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để nêu quan ngại về động thái này, và đòi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa của hai nước, và chưa được phân định rõ ràng.
Ông Lê Hải Bình nói: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này; đồng thời Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan.”
Việt Nam đang tiếp tục theo dõi sát hoạt động của giàn khoan mà vào khoảng giữa năm 2014 đã gây ra sự cố ngoại giao tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong 10 tuần tại vùng biển Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Hai quốc gia cộng sản láng giềng có kim ngạch mậu dịch hàng năm lên tới 60 tỉ đô la nhưng tâm lý bài Trung Quốc vẫn mạnh mẽ ở Việt Nam, nơi mọi người vẫn coi Bắc Kinh luôn chèn ép Việt Nam về vấn đề chủ quyền ở biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, nhưng Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này.
Reuters, MOFA, AP, Panarmenian.net