Đường dẫn truy cập

Trung Quốc phát động phong trào tẩy chay công ty chỉ trích lao động cưỡng bức ở Tân Cương


Công ty Nike rút sản phẩm của mình ra khỏi thị trường Trung Quốc. Official Website
Công ty Nike rút sản phẩm của mình ra khỏi thị trường Trung Quốc. Official Website

Các công ty Nike và Adidas đã bị đưa vào tầm ngắm trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi bộ máy tuyên truyền của Bắc Kinh phát động chiến dịch tấn công thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển, vì công ty này đã bày tỏ quan tâm về các điều kiện của người lao động ở Tân Cương.

Nike và Adidas - chuyên sản xuất đồ thể thao, là những công ty mới nhất bị lâm vào thế kẹt vì lời kêu gọi của chính quyền Trung Quốc, hãy ngăn chặn các thương hiệu nước ngoài “bôi nhọ Trung Quốc” sau khi người sử dụng internet tìm thấy những tuyên bố mà các công ty này đã đưa ra trong quá khứ liên quan tới tình hình tại Tân Cương.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc nêu đích danh H&M hôm thứ Tư 24/3 vì một tuyên bố của công ty này hồi năm ngoái, trong đó nhà bán lẻ hàng thời trang Thụy Điển nói họ quan tâm sâu sắc về những bản tin cáo buộc là có lao động cưỡng bức ở Tân Cương, và cho biết H&M không sử dụng các sản phẩm từ vùng này của Trung Quốc.

“Nếu các ông tẩy chay cotton từ Tân Cương, thì chúng tôi sẽ tẩy chay các ông.
Dân mạng Trung Quốc hưởng ứng phong trào tẩy chay thương hiệu nước ngoài của nhà nước

Hiện không rõ vì sao tuyên bố hồi nằm ngoái của H&M nay lại bị dư luận ở Trung Quốc soi rọi, nhưng những căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước phương Tây đã tăng cao trong thời gian gần đây.

Hồi đầu tuần, Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc cho rằng các quan chức của họ vi phạm nhân quyền ở vùng Tân Cương sau khi EU, Hoa Kỳ, Anh và Canada áp đặt các biện pháp chế tài chống lại các quan chức tại đó.

Bắc Kinh trả đũa bằng các biện pháp chế tài của họ chống lại các nhà lập pháp, các học giả và các định chế Âu châu.

Một số dân mạng nói họ sẽ ngưng mua sản phẩm của Nike và quay sang ủng hộ các thương hiệu nội địa như Li Ning và Anta. Nhiều người kêu gọi Adidas hãy rời Trung Quốc.

Cổ phần của công ty TNHH. Anta Sports Products và công ty Li Ning tăng giá, trong khi cổ phần Adidas, Inditex và H&M giảm vào lúc các thị trường chứng khoán Châu Âu mở cửa sáng thứ Năm 25/3.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc nói rằng công ty Inditex của Tây Ban Nha, chủ của thương hiệu Zara, đã “âm thầm xóa” tuyên bố của họ về Tân Cương trên các trang mạng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha của họ.

Inditex không đáp ứng yêu cầu của Reuters xin bình luận về viêc này.

Dân mạng cũng nhắm vào Better Cotton Initiative, một nhóm cổ vũ cho việc sản xuất bông sợi theo phương pháp bền vững, nhóm này hồi tháng 10 nói họ ngưng chấp thuận vải sợi cotton đến từ Tân Cương trong mùa 2020-2021, đơn cử các quan tâm về nhân quyền.

Các thành viên của BCI gồm các thương hiệu như Nike, Adidas, H&M và Fast Retailing của Nhật Bản.

“Nếu các ông tẩy chay cotton từ Tân Cương, thì chúng tôi sẽ tẩy chay các ông. Adidas hoặc phải rời BCI, hoặc rời khỏi Trung Quốc,” một dân mạng viết.

H&M hôm thứ Tư nói họ tôn trọng giới tiêu thụ Trung Quốc, và cam kết đầu tư và phát triển lâu dài ở Trung Quốc.

Nhưng tới sáng thứ Năm 25/3, không còn truy cập được H&M trên mạng xã hội Trung Quốc nữa. Tìm kiếm địa điểm các cửa hiệu H&M trên bản đồ Baidu, trên Tmall của Alibaba, đều không mang lại kết quả.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG