Đường dẫn truy cập

TQ hoãn sự kiện du lịch New Zealand giữa lo ngại rạn nứt ngoại giao


Tòa tháp Sky Tower nổi tiếng ở thành phố Auckland, New Zealand. Một sự kiện khởi động “Năm Du lịch Trung Quốc-New Zealand 2019” tại New Zealand đã bị Trung Quốc hoãn lại giữa bối cảnh quan hệ giữa nước đang căng thẳng.
Tòa tháp Sky Tower nổi tiếng ở thành phố Auckland, New Zealand. Một sự kiện khởi động “Năm Du lịch Trung Quốc-New Zealand 2019” tại New Zealand đã bị Trung Quốc hoãn lại giữa bối cảnh quan hệ giữa nước đang căng thẳng.

Trung Quốc vừa hoãn một chiến dịch quảng bá du lịch lớn ở New Zealand vài ngày trước khi chương trình ra mắt, và chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tới Bắc Kinh tiếp tục bị hoãn lại giữa lúc quan hệ giữa hai nước đang trở nên căng thẳng vì ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, theo Reuters.

Bà Ardern hôm 12/2 thừa nhận có “sự phức tạp” trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng bác bỏ những quan ngại về sự rạn nứt quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand.

“Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc là một mối quan hệ phức tạp và đôi khi có những thách thức”, Reuters dẫn lại lời Thủ tướng Ardern nói với TVNZ trong một cuộc phỏng vấn.

New Zealand hôm 12/2 cho biết một sự kiện nhằm khởi động “Năm Du lịch Trung Quốc-New Zealand 2019” tại Wellington vào tuần tới đã bị Trung Quốc hoãn lại và bà Ardern nói với các phóng viên rằng thời điểm chuyến đi của bà đến Trung Quốc, đã được lên kế hoạch vào cuối năm 2018, hiện vẫn chưa được chốt lại.

“Tôi đã được mời đến thăm Trung Quốc, điều đó không thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra thời điểm thích hợp”, bà Ardern nói.

Mối quan hệ của New Zealand với Trung Quốc trở nên căng thẳng dưới thời chính phủ của bà Ardern, vốn công khai nêu lên những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Nam Thái Bình Dương, và từ chối công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc Huawei ngay trong đợt đấu thầu đầu tiên để xây dựng mạng di động 5G.

Lãnh đạo đảng đối lập Simon Bridges đổ lỗi cho bà Ardern và Phó Thủ tướng Winston Peters đã làm cho “mối quan hệ liên tục xấu đi” với Trung Quốc, và nói rằng mối quan hệ giữa hai bên đang ở mức tồi tệ nhất.

Những người phản đối và truyền thông địa phương đặt câu hỏi liệu việc một chuyến bay của Air New Zealand gần đây đã bị từ chối nhập cảnh Trung Quốc có thể là một phần nguyên nhân của mối quan hệ xấu đi hay không, mặc dù hãng hàng không, chính phủ New Zealnd và chính quyền Trung Quốc đều nói rằng đó là do vấn đề về hành chính.

Bà Ardern cũng bác bỏ lập luận cho rằng lệnh cấm Huawei có tác động lên quan hệ ngoại giao, và khẳng định rằng New Zealand không bị các nước khác thúc đẩy trong việc đưa ra quyết định.

“Một số vấn đề của Huawei đã được nêu ra một vài lần. Nhưng thực tế, quyết định liên quan đến mạng 5G và việc thực hiện như thế nào được điều chỉnh bởi một quy định, một quy trình kiểm tra bất kỳ quyết định nào mà chúng tôi đưa ra là vì lợi ích tốt nhất về dữ liệu và bảo mật của người New Zealand”, Reuters dẫn lời bà Ardern nói.

Huawei đã phải đối mặt với sự giám sát của quốc tế về mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc và mối nghi ngờ về việc Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ để làm gián điệp.

Không có bằng chứng nào được đưa ra công khai và công ty này nhiều lần phủ nhận các tuyên bố, nhưng các cáo buộc đã khiến một số nước phương Tây hạn chế quyền tiếp cận của Huawei vào thị trường của họ.

Năm ngoái, New Zealand đã ban hành một tuyên bố về chính sách quốc phòng, trong đó nói rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực, đồng thời đề cập đến những căng thẳng ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp, khiến cho Trung Quốc lên tiếng phản đối.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG