Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 16/11 thúc đẩy việc mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, qua việc tổ chức một diễn đàn ở Papua New Guinea với các nhà lãnh đạo của tám đảo quốc nhỏ.
Úc, New Zealand và Hoa Kỳ lâu nay vẫn thận trọng theo dõi nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành thêm bạn bè ở vùng Thái Bình Dương giàu tài nguyên. Ba nước vốn là các cường quốc có tầm ảnh hưởng truyền thống trong khu vực đã không được mời tham dự diễn đàn hôm 16/11.
Bên cạnh đó, các quan chức Trung Quốc đã cấm hầu hết các phương tiện truyền thông, kể cả các phóng viên từ vùng Thái Bình Dương. Họ không được dự diễn đàn mà tại đó ông Tập gặp các lãnh đạo của quần đảo Cook, Fiji, Micronesia, Niue, Samoa, Tonga, Vanuatu, và Papua New Guinea ở thủ đô Port Morseby của nước này trước hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối tuần này.
Trong số những người bị cấm dự, nhiều người than vãn về điều mà họ cho là thiếu minh bạch liên quan đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành thêm đồng minh mới.
"Việc đó gửi ra một tín hiệu xấu khủng khiếp", Jonathan Pryke thuộc Viện Lowy tại Sydney, phát biểu.
"Cứ dường như là họ chỉ đang cố mua ảnh hưởng chứ không phải xây dựng ảnh hưởng", ông nói, đề cập đến viện trợ của Trung Quốc cho khu vực.
Hàng chục nhà báo đã được cấp thẻ đã bị từ chối mặc dù họ đã được các quan chức nước chủ nhà mời tham dự, phía nước chủ nhà cũng thu xếp việc đưa đón phóng viên đến địa điểm diễn đàn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Các quan chức Trung Quốc nói họ đã không nhận được thông báo về kế hoạch của nước chủ nhà và đã phải hạn chế số lượng phương tiện truyền thông.
Lina Keapu, phóng viên ảnh tại tờ Sunday Chronicle của Papua New Guinea cho biết đó là một "cái tát vào mặt".
"Là truyền thông địa phương, lẽ ra chúng tôi phải được ở đó đưa tin về sự kiện và chuyển tin tức đến công chúng trong nước của chúng tôi", bà nói.
Pita Ligaiula, một nhà báo thuộc Hiệp hội Tin tức Đảo Thái Bình Dương, có trụ sở tại Fiji, cho biết ảnh hưởng của Trung Quốc là một trong những vấn đề lớn ảnh hưởng đến khu vực, việc họ có thể thông báo cho công chúng về ý định của họ là điều quan trọng.
"Tôi đã đi chặng đường dài từ Fiji để đến đây mà chỉ để nghe là chúng tôi không được mời đưa tin về sự kiện này", ông nói.
Pryke cho rằng Trung Quốc đã đá phản lưới nhà khi “gạt bỏ các phương tiện truyền thông trong nước của chính các nước trong khu vực” trong khi lẽ ra họ có thể được đưa tin tích cực từ sự kiện này.