Hầu hết những người được đưa vào các trung tâm giam giữ tập trung ở khu vực Tân Cương, giờ “đã được trở về với xã hội,” một quan chức cấp cao của khu vực này cho biết hôm 30/7.
Theo Reuters, quan chức này từ chối không cho biết ước tính có bao nhiêu người đã bị giam giữ trong các trại tập trung trong những năm gần đây.
Hãng tin Reuters trích lời các chuyên gia của LHQ và giới hoạt động nói rằng có ít nhất 1 triệu người dân tộc Uighur và thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ trong các trại tập trung ở vùng Tân Cương ở miền tây Trung Quốc.
Trung Quốc gọi các trại này là những “trung tâm huấn nghiệp” có mục đích giúp dập tắt chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và huấn luyện các trại viên về kỹ năng làm việc mới.
Tại một cuộc họp ở Bắc Kinh, khi được hỏi có bao nhiêu người đã bị đưa vào các trại tập trung này, Phó chủ tịch Tân Cương Alken Tuniaz trả lời rằng con số này “dao động,” và hầu hết những người xuất trại đã thành công khi đi tìm việc làm.
“Hiện tại, hầu hết những người đã được đào tạo đã trở về với xã hội, về nhà,” ông Tun Tuniaz nói.
Giới chức này tố cáo “các nước và truyền thông có động cơ thâm hiểm, đảo ngược sự thật đúng sai, nói xấu và bôi nhọ Trung Quốc khi nói đến các trung tâm này.”
Từ trước đến nay, Trung Quốc không đưa ra bất kỳ số liệu chi tiết nào về số lượng người đã được gửi đến các trại tập trung và chính quyền hạn chế các nhà điều tra độc lập tiếp cận các trại này.
Gần đây, chính quyền đã sắp xếp cho các nhà báo và nhà ngoại giao đến thăm một số cơ sở, khi ấy họ nói rằng quyền của các “thực tập sinh” được đảm bảo hoàn toàn.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong tháng này lên án cách đối xử của Trung Quốc đối với người Uighur và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương, nói rằng đây là một “vết nhơ của thế kỷ,” và chính quyền TT Trump đang tiếp tục cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc đã thực thi các chính sách này.