Đường dẫn truy cập

Trung Quốc bị chỉ trích tại LHQ vì giam giữ người Uighur


Công nhân đi ngang tường rào của một nơi được chính thức gọi là trung tâm dạy nghề ở Urumqi, thủ phủ của Khu Tự trị Uighur Tân Cương, ngày 4 tháng 9, 2018.
Công nhân đi ngang tường rào của một nơi được chính thức gọi là trung tâm dạy nghề ở Urumqi, thủ phủ của Khu Tự trị Uighur Tân Cương, ngày 4 tháng 9, 2018.

Gần hai chục quốc gia kêu gọi Trung Quốc ngừng giam giữ hàng loạt người Uighur ở khu vực Tân Cương. Đây là hành động tập thể đầu tiên về vấn đề này tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc, Reuters đưa tin dẫn nguồn từ các nhà ngoại giao và một bức thư mà họ đã xem qua.

Các chuyên gia Liên hiệp quốc và giới hoạt động tố cáo ít nhất 1 triệu người Uighur và những người Hồi giáo khác đang bị nhốt trong các trại giam giữ ở khu vực phía tây hẻo lánh. Trung Quốc mô tả những nơi này là các trung tâm dạy nghề giúp tiêu trừ chủ nghĩa cực đoan và cung cấp cho mọi người những kĩ năng mới.

Theo Reuters, bức thư kêu gọi “trước nay chưa từng có” đề ngày 8 tháng 7 này gửi cho chủ tịch của diễn đàn với chữ kí của đại sứ 22 nước. Úc, Canada và Nhật Bản nằm trong số đó, cùng với các quốc gia Châu Âu bao gồm Anh, Pháp, Đức và Thụy Sĩ, nhưng không có Mỹ vì Mỹ đã rời bỏ diễn đàn một năm trước.

Đây chưa phải là một tuyên bố chính thức được đọc tại Hội đồng hoặc một nghị quyết được đệ trình để biểu quyết, như các nhà hoạt động mong đợi. Nguyên do là vì các chính phủ lo ngại Trung Quốc có thể phản ứng mạnh về chính trị và kinh tế, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao nói.

Bức thư bày tỏ quan ngại trước tin tức về việc giam giữ bất hợp pháp tại “các nơi giam giữ quy mô lớn, cũng như sự giám sát và những hạn chế rộng lớn, đặc biệt nhắm vào người Uighur và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương.

Bức thư nêu rõ Trung Quốc, với tư cách là thành viên của diễn đàn gồm nước 47 thành viên, có nghĩa vụ duy trì các tiêu chuẩn cao nhất.

Bức thư kêu gọi Trung Quốc cho phép các chuyên gia độc lập quốc tế, bao gồm Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet được tiếp cận Tân Cương một cách “có ý nghĩa.”

Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc ở Geneva hồi tháng trước nói rằng ông hi vọng bà Bachelet sẽ nhận lời mời đến thăm. Một phát ngôn viên của Liên hiệp quốc cho biết vào thời điểm đó, chuyến đi, bao gồm cả việc “tiếp cận đầy đủ Tân Cương” đang được thảo luận.

Các nhà ngoại giao cho Reuters biết không có phái đoàn phương Tây nào sẵn lòng đi đầu và để lộ mình là “người cầm đầu” thông qua một tuyên bố chung hoặc nghị quyết. Phái đoàn của Trung Quốc “điên tiết” về bức thư này và đang soạn thảo một bức thư riêng, một nhà ngoại giao cho biết.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG