Đường dẫn truy cập

TPP được ký kết, nhưng còn nhiều chướng ngại


Các đại diện thương mại 12 nước chụp hình lưu niệm sau khi ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ở Auckland, New Zealand, ngày 4/2/2016.
Các đại diện thương mại 12 nước chụp hình lưu niệm sau khi ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ở Auckland, New Zealand, ngày 4/2/2016.

Sau hơn 5 năm thương thuyết, 12 nước ven Thái Bình Dương hôm nay ký kết Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Mil Arcega của đài VOA, hiệp định có tính chất dấu mốc này đang đối mặt với nhiều chướng ngại.

Với kim ngạch mậu dịch gộp chung vượt mức 1.500 tỉ đô la, kinh tế của 12 nước thành viên TPP chiếm 40% sản lượng của cả thế giới.

Đối với các công ty Mỹ, hiệp định này mang lại cơ hội để họ bán thêm sản phẩm. Và đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, người sẽ rời khỏi chức vụ vào đầu năm sau, đây là cơ hội để ông gia tăng công trạng của mình và để ứng phó với ảnh hưởng mỗi ngày một tăng của Trung Quốc trong khu vực Á châu Thái Bình Dương.

Tổng thống Obama nói: "Với TPP, Trung Quốc không đặt ra luật lệ trong khu vực đó. Chúng ta đặt ra luật lệ. Quí vị có muốn chứng tỏ sức mạnh của đất nước chúng ta trong thế kỷ này không? Hãy phê chuẩn hiệp định. Hãy cho chúng tôi những công cụ để chấp hành hiệp định."

TPP sẽ huỷ bỏ quan thuế đối với hàng ngàn sản phẩm của Mỹ và thiết lập những tiêu chuẩn chung về thương mại. Nhưng mục tiêu này sẽ không đạt được nếu những người chống đối trên khắp thế giới giành được phần thắng.

Tại thủ đô Santiago của Chile, nông dân đã bày tỏ sự lo ngại về tác động của những tiêu chuẩn mới về công nghệ sinh học.

Tại Kuala Lumpur, Malaysia, những người biểu tình cho rằng nước Mỹ muốn kiểm soát những hoạt động kinh doanh ở Malaysia…

Và tại Washington, các nhân vật tranh đấu đã tụ tập ngày hôm qua dưới cơn mưa xối xả để chống đối hiệp định mà họ cho là thí dụ điển hình của sự tham lam quá độ của các công ty lớn. Một người biểu tình phát biểu như sau.

"TPP là một bước hướng tới một nền độc tài của đại công ty, một nền độc tài toàn cầu của đại công ty, và tôi cảm thấy việc này như là sự kết thúc của các quyền trong nền dân chủ của các nước có chủ quyền."

Các tổ chức tranh đấu cho quyền lợi của người lao động cho rằng TPP là một sự phản bội đối với công nhân và doanh nghiệp Mỹ, những người sẽ không thể cạnh tranh với những nước có giá thành lao động rất thấp.

Đại diện Thương mại Mỹ, ông Michael Froman nói rằng nhận định đó không chính xác. Ông cho biết TPP sẽ có ích rất nhiều cho hoạt động xuất khẩu và giúp cho nền kinh tế Mỹ có thêm 100 tỉ đô la mỗi năm.

"Chúng ta sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu của mình, nếu thông qua hiệp định thương mại này, chúng ta có thể giảm thiểu đáng kể những rào cản tại các thị trường khác, hạ thấp những thuế suất hiện ở mức cao hơn rất nhiều tại Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia… ngõ hầu chúng ta có thể tiếp cận các thị trường đó; nâng cao tiêu chuẩn ở các nước đó ngõ hầu chúng ta có thể có một sân chơi phẳng hơn để cạnh tranh."

Nhưng nhiều người không tán thành nhận định đó.

Một phụ nữ tham gia cuộc biểu tình hôm qua phát biểu như sau.

"Họ không ngừng lập đi lập lại những lời nói dối giống hệt như nhau."

Trong lúc các vị bộ trưởng tài chánh của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết hiệp định TPP tại New Zealand, các nhà phân tích cho rằng có thể phải mất ít nhất là hai năm nữa thì TPP mới được thực thi. Các nhà lập pháp của 12 nước thành viên vẫn còn phải xem xét rất nhiều luật lệ và qui định mới, và tại Hoa Kỳ, sự phê chuẩn của quốc hội trong một năm có bầu cử là một việc rất khó có thể xảy ra.

Việt Nam và các nước ký kết Hiệp định TPP
please wait

No media source currently available

0:00 0:03:05 0:00

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG