Đường dẫn truy cập

Tổng thống Ukraina tuyên bố ủng hộ 'đối thoại, thỏa hiệp'


Người biểu tình chống chính phủ, trong trang phục và nón bảo hộ, chuẩn bị cho cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập trong thủ đô Kyiv, Ukraina, 6/2/14
Người biểu tình chống chính phủ, trong trang phục và nón bảo hộ, chuẩn bị cho cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập trong thủ đô Kyiv, Ukraina, 6/2/14
Hôm thứ Năm, Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych nói rằng ông ủng hộ “đối thoại và dung hòa” với phe đối lập chính trị để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này.

Trong một cuộc hội đàm với Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Victoria Nuland, Tổng thống Yanukovych nói rằng ông ủng hộ những đòi hỏi cải cách hiến pháp Ukraina của phe đối lập, theo đó sẽ nhường lại một số quyền hạn của Tổng thống cho Quốc hội nước này.

Bà Nuland đã tới Ukraina hôm thứ Năm để hội đàm với ông Yanukovych và với những người ủng hộ phe đối lập.

Quyết định của Tổng thống Yanukovych rút lại hiệp định thương mại với Liên Hiệp Châu Âu và dành ưu tiên cho quan hệ thân cận hơn với Nga đã gây ra nhiều tuần lễ biểu tình chính trị. Những cuộc biểu tình này trở thành bạo động hồi tháng trước khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát. Nhiều người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ này.

Nga đã đề nghị giúp Ukraina một gói viện trợ tài chánh 15 tỉ đôla để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng chưa qua giai đoạn giao tiền. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng khoản tài trợ này sẽ không thể giải ngân đầy đủ cho tới khi một chính phủ mới được thành lập tại Kyiv.

Trong khi đó, cố vấn của ông Putin về vấn đề hội nhập cấp vùng đã tố cáo Hoa Kỳ là tài trợ và cung cấp võ khí cho phe “đối lập và các phiến quân Ukraina.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo Kommersant-Ukraine số ra ngày thứ Năm, ông Sergei Glazyev đã cáo buộc rằng các “nguồn” tài chánh Hoa Kỳ đã chi tiêu 20 triệu đô la một tuần lễ để cung cấp nguồn tài trợ, trong đó có võ khí, và rằng các phần tử tranh đấu người Ukraina chống chính phủ đã được huấn luyện 'trên lãnh thổ của sứ quán Hoa Kỳ ở Kyiv.'

Ông tố cáo Hoa Kỳ là can thiệp đơn phương và thô bạo vào vấn đề nội bộ của Ukraina.

Ông Glazyev cũng tuyên bố rằng Nga có nền tảng pháp lý đối với việc can thiệp vào Ukraina, nêu lên văn bản ghi nhớ về bảo đảm an ninh tại Budapest năm 1994, trong đó nêu tên Hoa Kỳ và Nga là những nước bảo đảm cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Ông không xác định cụ thể lý do tại sao Nga có thể can thiệp vào Ukraina.

Cũng hôm thứ Năm, một nhà hoạt động đối lập, người đã rời khỏi Ukraina sau khi bị bắt cóc hồi cuối tháng Giêng và bị giữ trong nhiều ngày, nói rằng những người bắt cóc nói tiếng Nga tra tấn ông để ông phải nói trong một video rằng ông là một gián điệp Mỹ.

Dymtro Bulatov, người được phục hồi trong một bệnh viện ở Vilnius, Lithuania, đã nói với các thông tín viên rằng sau khi bị đánh đập và tra tấn, kể cả việc đóng đinh vào bàn tay ông, khi tiến tới máy thâu hình và nói rằng Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraina đã trả cho ông 50.000 đô la.

Ông Bulatov cũng nói rằng những người thẩm vấn ông rõ ràng là người “chuyên nghiệp” được huấn luyện kỹ lưỡng, có lẽ từ các cơ quan đặc biệt của Nga.

Khoàng 30.000 người chống chính phủ mưu tìm việc lật đổ Tổng thống Yanukovych biểu tình tại Quảng trường Độc lập, nơi hàng rào phòng thủ được dựng lên, hôm Chủ nhật, ở Kyiv. Đó là một trong những cuộc tụ họp lớn nhất trong hai tháng biểu tình chống lại chính phủ của Tổng thống Yanukovych.

Ông Yanukovych đã chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng và rút lại những đạo luật chống biểu tình gây nhiều tranh cãi đã khiến cho người biểu tình tức giận. Nhưng, người biểu tình đã đòi hỏi thêm nhiều nhượng bộ, trong đó có sự từ chức của ông Yanukovych.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG