Đường dẫn truy cập

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ họp khẩn sau cuộc đảo chính bất thành


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) bắt tay Thủ tướng Gruzia Giorgi Kvirikashvili tại dinh tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, 19/7/2016.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) bắt tay Thủ tướng Gruzia Giorgi Kvirikashvili tại dinh tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, 19/7/2016.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đang họp với hội đồng an ninh quốc gia của ông vào sáng thứ Tư sau cuộc đảo chính bất thành vào cuối tuần trước.

Ông sẽ họp với những bộ trưởng nội các khi cuộc họp an ninh kết thúc, sau đó dự kiến sẽ có một thông báo quan trọng.

Trước đó trong ngày thứ Tư, hội đồng giáo dục bậc cao của Thổ Nhĩ Kỳ đã loan báo một lệnh cấm những học giả đi ra nước ngoài và kêu gọi tất cả những người hiện đang ở nước ngoài nhanh chóng trở về nước.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết bộ giáo dục đã sa thải 15.200 giáo viên trên cả nước, trong khi bộ nội vụ sa thải gần 9.000 nhân viên. Thêm 1.500 nhân viên trong bộ tài chính bị sa thải, cũng như hàng trăm người khác trong cục sự vụ tôn giáo, bộ gia đình và chính sách xã hội và văn phòng thủ tướng. Hội đồng quản trị giáo dục bậc cao của đất nước đã yêu cầu 1.577 chủ nhiệm khoa trong các trường đại học từ chức.

Những vụ sa thải diễn ra sau khi khoảng 9.000 người ở thủ đô Ankara bị câu lưu vì bị tình nghi có dính líu trong âm mưu lật đổ chính phủ của Tổng thống Erdogan.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ điều tra cuộc đảo chính bất thành vào cuối tuần trước.

Tòa Bạch Ốc cho biết ông Obama và ông Erdogan đã điện đàm hôm thứ Ba. Ông Obama nêu rõ rằng Mỹ sẽ "cung cấp sự hỗ trợ thích hợp" cho cuộc điều tra.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đòi Mỹ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen để đối mặt với những cáo buộc nói rằng ông ta có dính líu tới âm mưu đảo chính. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc không nêu chi tiết lập trường của Mỹ về khả năng dẫn độ ông Gulen, nhưng nói rằng quyết định sẽ được đưa ra theo một hiệp ước lâu dài giữa Ankara và Washington.

Tòa Bạch Ốc cho biết trong cuộc điện đàm với ông Erdogan, ông Obama đã cực lực lên án âm mưu đảo chính và kêu gọi tiến hành những cuộc điều tra và truy tố liên quan đến cuộc nổi dậy này theo những cách thức củng cố niềm tin của công chúng vào những định chế dân chủ và pháp trị.

Trong một cuộc điện đàm khác hôm thứ Ba, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Işik. Ông Işik bảo đảm với ông Carter rằng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác và đồng minh kiên định và quyết tâm trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ông Işık trước đó định sẽ tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng mà ông Carter tổ chức vào ngày thứ Tư tại Washington về nỗ lực chống lại Nhà nước Hồi giáo, nhưng giờ nói rằng ông phải ở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi cho Mỹ những hồ sơ về ông Gulen, người đã định cư ở Mỹ từ năm 1999. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Washington đã nhận được một số "tài liệu" từ Ankara, nhưng nói rằng họ đang làm việc với Bộ Tư pháp để thẩm định và phân tích "liệu những tài liệu này có cấu thành một yêu cầu dẫn độ chính thức hay không."

Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen sinh sống ở Pennsylvania.
Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen sinh sống ở Pennsylvania.

Ông Gulen sinh sống ở Pennsylvania trong khuôn viên Trung tâm Nghỉ dưỡng và Thờ phượng Thế hệ Vàng, một cơ sở do người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ thành lập. Triết lý của ông pha trộn một hình thức thần bí của đạo Hồi với một sự kiên quyết tán đồng dân chủ, giáo dục, khoa học và đối thoại liên tôn. Phong trào của ông hoạt động tại hàng chục trường học độc lập ở Hoa Kỳ.

Ông Gulen tiếp tục gây ảnh hưởng đáng kể ở Thổ Nhĩ Kỳ, với những người ủng hộ trong giới truyền thông, cảnh sát và ngành tư pháp.

Ông Erdogan và ông Gulen từng là đồng minh, nhưng đã cạch mặt nhau vì những cuộc điều tra tham nhũng ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2013. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã quy trách ông Gulen về những cuộc điều tra này.

Sau khi đi sống lưu vong, ông Gulen cũng đã chỉ trích nền cai trị ngày càng độc đoán của ông Erdogan, trong khi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một chiến dịch rộng lớn nhắm vào phong trào của ông Gulen.

Hôm Chủ nhật, ông Erdogan cho biết ông sẵn sàng tái lập án tử hình trong nước sau khi xảy ra âm mưu đảo chính. Nhưng trưởng ban đối ngoại EU, bà Federica Mogherini, cảnh báo rằng một biện pháp như thế có thể chấm dứt các hy vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Mogherini nói: “Tôi xin nói rất rõ ràng rằng không một nước nào có thể trở thành thành viên EU nếu đề xuất án tử hình.”

Thổ Nhĩ Kỳ chưa hành quyết ai kể từ năm 1984, và án tử hình đã được chính thức hủy bỏ vào năm 2004 trong khuôn khổ cố gắng của Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập Liên hiệp châu Âu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG