Sau những lời chỉ trích từ Mỹ và những nhà lãnh đạo phương Tây khác, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim hôm thứ Ba cảnh báo người dân chớ tìm cách trả thù âm mưu đảo chính bất thành nhắm vào chính phủ của ông.
"Đừng ai nghĩ tới chuyện trả thù. Điều này không thể chấp nhận được trong một nhà nước cai trị bằng luật pháp," ông Yildirim phát biểu như vậy sau khi kêu gọi "tình huynh đệ" sau cuộc đảo chính bất thành.
Dù kêu gọi đoàn kết, ông Yildirim cho biết ông sẽ loại bỏ "tận gốc rễ" phong trào của giáo sĩ Fethullah Gulen sống ở Mỹ, để nó không bao giờ có thể phản bội người Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa. Ông Gulen đã bị quy trách là chủ mưu dàn dựng cuộc đảo chính.
Mỹ đang kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế và hành động trong phạm vi pháp trị trong khi nước này điều tra cuộc đảo chính bất thành vào tuần trước.
Tại Brussels hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông ủng hộ việc đưa thủ phạm cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ ra trước công lý, nhưng cảnh báo chính phủ chớ đi "quá xa" trong khi vãn hồi trật tự trong nước.
Tại Tòa Bạch Ốc, phát ngôn viên Josh Earnest nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ "được bầu cử dân chủ" của Thổ Nhĩ Kỳ và nói rằng Washington đề cao "mối quan hệ quan trọng" với nước đồng minh NATO này. Tuy nhiên, ông nói rằng chính phủ nên "ủng hộ trình tự pháp lý và những quyền tự do được ấn định trong hiến pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do hội họp."
Ông Yildirim cho biết ông đã gửi đi nhiều hồ sơ yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen sau khi ông Kerry nói Mỹ sẽ đòi hỏi bằng chứng trước khi xem xét việc dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Yildirim nói trước Quốc hội: "Chúng tôi đã gửi bốn hồ sơ sang Mỹ yêu cầu dẫn độ kẻ khủng bố cầm đầu. Chúng tôi sẽ trình cho họ nhiều bằng chứng hơn là họ muốn."
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu cho hay 8.777 sĩ quan đã bị đình chỉ và 6.000 người thuộc ngành tư pháp và quân sự đã bị câu lưu sau cuộc đảo chính bất thành hôm thứ Sáu tuần trước. Việc này đã khơi lên lo ngại từ những nhà lãnh đạo thế giới cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ chớ có những hành động làm tổn hại trật tự hiến pháp.
Trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad Al Hussein đã kêu gọi đưa những quan sát viên quốc tế tới những trung tâm giam giữ để bảo đảm những người bị cáo buộc tham gia trong âm mưu đảo chính tiếp cận được luật sư và gia đình của họ.
Ông Zeid cho biết trong một thông cáo: "Sau một trải nghiệm đau thương như vậy, điều đặc biệt thiết yếu là bảo bảo nhân quyền không bị vứt bỏ nhân danh an ninh và trong cơn hối hả trừng phạt những người bị xem là chịu trách nhiệm. Tái áp dụng án tử hình sẽ vi phạm những nghĩa vụ của Thổ Nhĩ Kỳ theo luật nhân quyền quốc tế và là một bước lớn đi sai đường."
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm thứ Hai nói rằng ông sẵn sàng khôi phục án tử hình sau cuộc đảo chính. Nhưng trưởng chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini cảnh báo rằng một hành động như vậy sẽ chấm dứt hy vọng của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của EU.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa hành quyết bất cứ người nào kể từ năm 1984, và án tử hình đã được bãi bỏ một cách hợp pháp vào năm 2004 trong nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập Liên minh Châu Âu.