Tổng thống Gotabaya Rajapaksa hôm 13/7 bỏ trốn khỏi Sri Lanka trong lúc hàng trăm người biểu tình xông vào văn phòng thủ tướng đòi phế truất ông trong cuộc nổi dậy của người dân phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Ông Rajapaksa đã gọi điện cho chủ tịch quốc hội thông báo rằng ông sẽ từ chức vào cuối ngày và rằng đồng minh của ông là Thủ tướng Ranil Wickremesinghe nên làm tổng thống lâm thời. Điều này khiến cho công chúng Sri Lanka vốn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và điện suốt mấy tháng qua càng thêm phẫn nộ.
Chuyến bay rời khỏi đất nước của tổng thống đã chấm dứt sự cai trị của gia tộc quyền lực Rajapaksa tại quốc gia Nam Á này trong suốt hai mươi năm qua.
Văn phòng của Thủ tướng Wickremesinghe đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay lập tức, nhưng sau đó lại hủy các lệnh này. Văn phòng của ông cho biết sẽ thông báo lại sau vể các lệnh này.
"Người biểu tình không có lý do gì để xông vào văn phòng thủ tướng", ông Wickremesinghe nói trong một tuyên bố. "Họ muốn ngăn chặn tiến trình của nghị viện. Nhưng chúng ta phải tôn trọng Hiến pháp. Vì vậy, lực lượng an ninh đã khuyên tôi nên áp đặt tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm. Tôi đang làm điều đó."
Lực lượng cảnh sát bên ngoài văn phòng thủ tướng đã bắn nhiều loạt hơi cay trong khi một chiếc trực thăng quân sự bay vòng trên đầu, nhưng những người biểu tình tỏ ra không nao núng và cuối cùng đã tràn vào tòa nhà. Thuộc hạ của thủ tướng từ chối tiết lộ hiện ông Wickremesinghe đang ở đâu.
Trong một tuyên bố bằng video, Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena nói: "Tổng thống đã liên lạc với tôi qua điện thoại và nói ông ấy đảm bảo rằng tôi sẽ nhận được đơn từ chức của ông ấy trong ngày hôm nay".
"Tôi kêu gọi công chúng hãy tin tưởng vào tiến trình nghị viện mà chúng tôi đã vạch ra để bổ nhiệm một tổng thống mới vào ngày 20 và hãy ôn hòa,” ông Abeywardena nói.
Đài truyền hình nhà nước Rupavahini đã tạm ngừng đưa tin sau khi những người biểu tình tràn vào trụ sở của đài. Một đài truyền hình thứ hai do chính phủ điều hành, Mạng lưới Truyền hình Độc lập, cũng đã ngừng phát sóng mà chưa đưa ra lý do.
Các cuộc biểu tình phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế đã diễn ra âm ỉ trong nhiều tháng và bùng phát vào cuối tuần trước khi hàng trăm nghìn người tràn vào chiếm các công ốc quan trọng của chính phủ ở Colombo, quy lỗi cho Tổng thống Rajapaksas và các đồng minh của ông về tình trạng lạm phát phi mã, tham nhũng và thiếu nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng.
Các nguồn tin chính phủ và các trợ lý cho biết anh em của tổng thống, gồm cựu tổng thống kiêm thủ tướng Mahinda Rajapaksa và cựu bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa vẫn còn ở Sri Lanka.
Không quân cho biết trong một tuyên bố rằng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, vợ và hai vệ sĩ của ông đã rời sân bay quốc tế chính gần Colombo trên một máy bay quân sự của Sri Lanka vào sáng sớm ngày 13/7.
Một nguồn tin chính phủ và một người thân cận với Tổng thống Rajapaksa cho biết ông hiện đang ở Male, thủ đô của Maldives. Theo nguồn tin từ chính phủ, tổng thống rất có thể từ đó sẽ tới một quốc gia châu Á khác.
Diễn đàn