Ngân hàng trung ương Sri Lanka nói hôm thứ Ba 12/4 rằng tình hình "quá khó khăn và bất khả thi" nên không thể trả nợ nước ngoài, vào lúc họ cố gắng sử dụng khoản dự trữ ngoại hối đang cạn dần của mình để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu.
Dự trữ ngoại tệ của đảo quốc này đã giảm hơn 2/3 trong hai năm qua, do việc cắt giảm thuế và đại dịch COVID-19 đã gây tổn hại nặng nề đến nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của quốc gia này và làm vỡ lở ra tình trạng chính phủ phải chi tiêu bằng vay nợ.
Tại đất nước 22 triệu dân, các cuộc biểu tình trên đường phố phản đối tình trạng thiếu nhiên liệu, điện, thực phẩm và thuốc men đã diễn ra trong hơn một tháng.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, P. Nandalal Weerasinghe, nói với các phóng viên: “Chúng tôi cần tập trung vào các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu và không phải lo lắng về việc trả nợ nước ngoài. Tình hình đã đi đến chỗ mà việc trả nợ trở nên quá khó khăn và bất khả thi".
Thống đốc Weerasinghe cho biết việc tạm dừng thanh toán sẽ kéo dài cho đến khi nước này đạt được thỏa thuận với các chủ nợ và có sự trợ giúp của chương trình cho vay thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Sri Lanka bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với các bên cho vay toàn cầu từ hôm 11/4 về các khoản vay khẩn cấp.
Quốc gia này có các khoản nợ nước ngoài khoảng 4 tỷ đô la đến hạn phải thanh toán trong năm nay, bao gồm cả trái phiếu quốc tế trị giá 1 tỷ đô la đáo hạn vào tháng 7. Ngay vào ngày 11/4, có hai khoản lãi trái phiếu đến hạn thanh toán.
Murtaza Jafferjee, giám đốc điều hành công ty môi giới J.B Securities, nhận xét: “Đây chính là một sự vỡ nợ. Đây là điều không thể tránh khỏi”.
Nhưng vị giám đốc này cũng cho rằng đây là một điều tích cực cho nền kinh tế bởi vì khi không sử dụng các nguồn ngoại tệ khan hiếm để trả nợ, điều này sẽ cho phép sử dụng số tiền để phục vụ cho chính các công dân của Sri Lanka.
Ông cho biết quyết định tạm dừng trả nợ của Sri Lanka ảnh hưởng đến các khoản nợ song phương và thương mại có tổng trị giá khoảng 25 tỷ đô la, trong đó có khoảng 12 tỷ đô la trái phiếu quốc tế.
(Reuters)