Đường dẫn truy cập

Tổng thống Pháp kêu gọi Việt Nam thả một số tù nhân chính trị


Tổng thống Pháp Francois Hollande tham dự một cuộc họp báo tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, 6/9/2016.
Tổng thống Pháp Francois Hollande tham dự một cuộc họp báo tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, 6/9/2016.

Tổng thống Pháp Francois Hollande, đang trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 5 đến 7 tháng 9, đã kêu gọi Hà Nội trả tự do cho 4 người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ, báo Channel News Asia trích nguồn tin từ Pháp cho biết hôm 7/9.

Trong số 4 tù nhân bất đồng chính kiến được ông Hollande đề cập tới có ông Trần Huỳnh Duy Thức và blogger Nguyễn Hữu Vinh.

Vấn đề nhân quyền đã không được xếp vào nghị trình làm việc chính thức tại Việt Nam của nhà lãnh đạo Pháp, dù trước đó các tổ chức NGO đã gửi thư đến Tổng thống Hollande bày tỏ quan ngại về “những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền” tại Việt Nam và tình trạng bắt bớ, giam giữ những người bất đồng chính kiến và các blogger.

Trong cuộc phỏng vấn với VOA tối 7/9, ông Trần Văn Huỳnh, bố của tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức, bày tỏ hy vọng về tự do cho con trai ông sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp.

Ông nói: “Tôi mong rằng Việt Nam sẽ có những thay đổi tích cực, quan tâm hơn đến việc thượng tôn pháp luật và sẽ có những cách xử lý, xem xét đến những trường hợp bị oan sai. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều tù nhân lương tâm, hay tù nhân chính trị, có thể được xem xét và tôi mong trong đó có Trần Huỳnh Duy Thức, con trai tôi”.

Ông Trần Văn Huỳnh cho biết ông Trần Huỳnh Duy Thức có gọi điện thoại về nhà cách đây vài ngày và cho biết sức khỏe ông vẫn ổn, dù thời tiết nóng lên đến 40oC tại Nghệ An, nơi ông đang bị giam giữ.

Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một doanh gia bị kết án 16 năm tù vì tội chống phá, lật đổ nhà nước XHCN Việt Nam, trong khi blogger Nguyễn Hữu Vinh được biết tiếng dưới bút hiệu Anh Ba Sàm với nhiều bài viết được xem là “nhạy cảm”. Ông Nguyễn Hữu Vinh bị kết án 5 năm tù vì những bài viết bị cho là chống chính quyền, nhà nước Việt Nam.

Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Việt Nam, ngoài việc củng cố mối quan hệ kinh tế với quốc gia thuộc địa cũ, Tổng thống Pháp Hollande còn bàn luận với các giới chức Việt Nam về tự do hàng hải ở Biển Đông, nơi Việt Nam và một số quốc gia láng giềng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Pháp và Việt Nam cũng đã ký một số thỏa thuận trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam, trong đó có hợp đồng của Việt Nam đặt mua 40 máy bay Airbus trị giá 6,5 tỉ đôla từ Pháp.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm thứ Ba nhắc nhở Tổng thống Hollande đừng để các hợp đồng kếch xù làm lu mờ vấn đề nhân quyền.

Pháp hiện là một trong những đối tác thương mại châu Âu hàng đầu của Việt Nam và là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Việt Nam, sau Nhật Bản.

VOA Express

XS
SM
MD
LG