Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama thứ 6 tuần này sẽ tiếp kiến Quốc vương Salman của Ả rập Xê út và theo dự liệu đôi bên sẽ thảo luận về nhiều vấn đề trong đó có thoả thuận hạt nhân Iran. Theo tường thuật của thông tín viên Aru Pande của đài VOA tại Tòa Bạch Ốc, đây là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ đầu tiên của vua Salman kể từ khi lên ngôi hồi tháng giêng, sau cái chết của Quốc vương Abdullah.
Cuộc thảo luận mặt đối mặt giữa Tổng thống Obama và Vua Salman sắp diễn ra trong lúc tình hình Trung Đông bị rối loạn hơn bao giờ hết, với việc Hoa Kỳ dẫn đầu một liên minh chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria trong khi Ả rập Xê út lãnh đạo một liên minh chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Ông Anthony Cordesman, một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington, cho biết nhiều người ở Trung Đông quan tâm về lập trường của Mỹ.
Ông Cordesman cho biết: "Nhiều người trong vùng Vịnh Ba Tư, thật ra là toàn bộ thế giới Ả Rập, quan tâm về lập trường của Mỹ ở vùng Vịnh, về thoả thuận hạt nhân Iran, về những gì đang xảy ra liên quan tới sự bành trướng ảnh hưởng của Iran trong vùng Levant, ở Iraq, ở Yemen".
Ông Cordesman cho rằng cuộc họp thứ 6 tới đây có phần chắc sẽ không dẫn tới những thay đổi quan trọng về chính sách, nhưng nó vô cùng quan trọng cho việc trấn an Ả rập Xê út, nhất là đối với thoả thuận hạt nhân mới đạt dược với Iran.
Ông nói: "Họ phải được thuyết phục một cách mạnh mẽ để họ tin là Mỹ sẽ chấp hành thoả thuận, sẽ không làm ngơ trước bất kỳ một sự vi phạm nào. Họ sẽ có một lập trường rất cứng rắn đối với vấn đề này".
Ngoài thoả thuận hạt nhân, cách hành xử của Iran trong khu vực có phần chắc cũng sẽ được bàn tới trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo về vấn đề Iraq.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Francis Ricciardone, là một chuyên gia về Trung Đông của Hội đồng Đại tây dương ở Washington. Ông cho biết Ả rập Xê út xem việc ổn định Iraq là một quyền lợi chiến lược của nước họ.
Ông Ricciadorne nói: "Tôi nghĩ rằng cuộc thảo luận giữa Tổng thống Obama và Quốc vương Salman về Iraq sẽ rất lý thú, xét theo khía cạnh là mỗi bên có thể làm gì để hỗ trợ cho Thủ tướng Abadi để duy trì sự thống nhất đất nước và tăng cường sự độc lập của họ trước ảnh hưởng bá quyền của Iran".
Chấm dứt giao tranh, thúc đẩy hoà giải dân tộc và giải quyết khủng hoảng nhân đạo là những mục tiêu mà Tổng thống Obama và Quốc vương Salman có phần chắc sẽ theo đuổi, không chỉ ở Iraq và Syria, mà còn ở Yemen, nước láng giềng phía nam của Ả rập Xê út và là nơi mà liên minh do Ả rập Xê út dẫn đầu tiếp tục oanh kích những mục tiêu của phiến quân Houthi.