Đường dẫn truy cập

Tổng thống Biden lại nhắc tới Việt Nam khi nói về Trung Quốc


Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khi thăm Thành phố Salt Lake ở Utah, nơi ông nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu như một phần trong chiến dịch vận động tái tranh cử vào Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khi thăm Thành phố Salt Lake ở Utah, nơi ông nhắc tới Việt Nam trong bài phát biểu như một phần trong chiến dịch vận động tái tranh cử vào Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden lại nhắc tới Việt Nam khi đề cập đến mối quan hệ với Trung Quốc trong một bài phát biểu tại Utah nơi ông kết thúc chuyến thăm 3 tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ để vận động cho chiến dịch tái tranh cử vào Nhà Trắng.

Đây là lần thứ 3 chỉ trong vòng 1 tuần ông Biden đã đề cập tới Việt Nam trong các bài phát biểu khi đi vận động để lấy các lá phiếu ủng hộ của cử tri Mỹ cho mục tiêu ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa.

Tại Utah, trong bài phát biểu ở Thành phố Salt Lake hôm 10/8, ông Biden nói về việc các nước Đông Nam Á muốn có mối quan hệ với Mỹ trong bối cảnh Hoa Kỳ thành lập liên minh Quad – gồm cả Ấn Độ, Nhật Bản và Úc – khi cạnh tranh với Trung Quốc.

Sau khi nói về việc Nga bị Mỹ và cộng đồng quốc tế cô lập vì xâm lược Ukraine, ông Biden nói về việc phải đối phó với Trung Quốc, quốc gia mà ông gọi là “một quả bom hẹn giờ” về nhiều khía cạnh, trong đó có việc “Trung Quốc gặp rắc rối” về kinh tế sau 3 năm đại dịch.

Sự đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh đang càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết khi Tổng thống Biden đưa ra lệnh cấm một số loại hình đầu tư công nghệ của Hoa Kỳ vào Trung Quốc hôm 9/8 trong khi cuộc chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường thế giới vẫn tiếp tục gay gắt kể từ khi Tổng thống Donald Trump phát động vào năm 2018.

“Tôi không muốn làm tổn thương Trung Quốc. Nhưng trong lúc đó, tôi xem những gì Trung Quốc đang làm,” Tổng thống Biden nói tại buổi vận động tranh cử. “Vì vậy, tôi đã tập hợp một nhóm gọi là Quad. Chúng tôi đã hình thành một liên minh Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ.”

Đối thoại Tứ giác An ninh Quad, hay còn gọi là Bộ tứ Kim cương, là một diễn đàn chiến lược không chính thức của 4 nước kể trên được thành lập vào năm 2007 nhưng được kết nối mạnh mẽ dưới thời Tổng thống Biden nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Ông Biden cho biết “Philippines và sắp tới là Việt Nam và Campuchia muốn trở thành một phần trong mối quan hệ với chúng tôi.”

Bởi vì, theo tổng thống Biden, dù các nước Đông Nam Á này “không muốn có một liên minh phòng thủ" với Mỹ "nhưng họ muốn có các mối quan hệ vì họ muốn Trung Quốc biết rằng họ không đơn độc.”

Việt Nam áp dụng chính sách quốc phòng "Bốn Không", trong đó không liên minh với nước này để chống lại nước khác.

Còn Philippines, kể từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. lên làm tổng thống thay cho ông Rodrigo Duterte, đã nối lại mối quan hệ đồng minh thân thiết với Mỹ và mạnh mẽ hơn, so với thời chính quyền Duterte, trong việc đáp trả Trung Quốc giữa các xung đột trên Biển Đông.

Trước đó vào hôm 3/8, ông Biden nói với những người ủng hộ ông, trong một buổi gặp mặt ở Freeport tại Maine, rằng Việt Nam muốn nâng tầm quan hệ với Mỹ để Washington trở thành một đối tác lớn của Hà Nội “ngang hàng với Nga và Trung Quốc”. Sau đó vào hôm 8/8, tại một buổi gặp gỡ khác với các nhà tài trợ cho chiến dịch vận động tái tranh cử tổng thống ở New Mexico, ông Biden cho biết ông sẽ “sớm” đến thăm Việt Nam vì quốc gia Đông Nam Á muốn trở thành một đối tác chính của Washington.

Các nhà phân tích nói với VOA họ tin rằng Việt Nam và Mỹ sẽ nâng tầm mối quan hệ, vốn đã có 10 năm là đối tác toàn diện, khi ông Biden tới thăm Việt Nam nếu đúng như dự kiến.

Mỹ đã luôn tìm cách nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam, một quốc gia có vị trí địa chính trị chiến lược và được Washington coi là quan trọng trong chiến lược an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm đối trọng với sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đưa ra đề nghị nâng cấp quan hệ khi gặp mặt các nguyên thủ Việt Nam tại Hà Nội năm 2021. Vào tháng trước, Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 10 năm trở thành đối tác toàn diện nhưng không nâng cấp mối quan hệ như mong đợi.

Cả Việt Nam và Mỹ đều muốn ngăn cản Trung Quốc bành trướng sức mạnh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như ủng hộ việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trên Biển Đông.

Sau khi Tổng thống Biden đưa ra thông tin về việc “nhà lãnh đạo Việt Nam muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nói rằng “lãnh đạo cao cấp hai nước đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác” và “hướng tới tầm mức quan hệ mới khi điều kiện phù hợp.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG