Đường dẫn truy cập

Tổng thống Đài Loan: 'Chưa thể đàm phán chính trị với Trung Quốc'


Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói về vấn đề hiệp ước hòa bình
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói về vấn đề hiệp ước hòa bình
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu hôm nay cho biết đàm phán chính trị với Trung Quốc phải chờ cho tới khi có được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn của dân chúng. Thông tín viên VOA Ralph Jennings tường thuật rằng lập trường có tính chất dè dặt của ông Mã được loan báo sau một sự thúc đẩy mới đây của Trung Quốc đòi Đài Loan thảo luận những vấn đề nhạy cảm nhằm thống nhất lại hai phần đất đã tách rời nhau sau cuộc nội chiến hồi thập niên 1940.

Tại một hội nghị kinh tế khu vực hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với một phái đoàn Đài Loan là một ngày nào đó đôi bên phải thảo luận với nhau về những vụ tranh chấp chính trị chứ không thể đùn đẩy vấn đề này từ đời này sang đời khác.

Các nhà phân tích cho rằng phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc có mục đích gây áp lực để Đài Loan tiến tới chỗ thống nhất với Trung Quốc, sau khi những hiệp định thương mại và đầu tư song phương đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế của Đài Loan trong hơn 5 năm qua.

Tại cuộc họp báo ngày hôm thứ Sáu dành cho các ký giả nước ngoài, Tổng thống Mã Anh Cửu nói rằng bất kỳ một cuộc đàm phán chính trị nào cũng đều phải có lợi cho Đài Loan. Ông nói thêm rằng không cần phải gấp rút ký kết hòa ước với Trung Quốc.

Ông Mã nói rằng Đài Loan không loại bỏ khả năng tiến hành một cuộc đối thoại chính trị với Trung Quốc, nhưng điều đó phải có lợi mới được; và vào lúc này ông không nghĩ là đã tới lúc bàn về việc ký kết hòa ước với Trung Quốc. Ông cho rằng trong tình hình hiện nay thì phương thức đi từng bước một có lợi cho Đài Loan nhiều hơn.

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ kể từ khi phe Quốc Dân Đảng chạy sang đảo này sau cuộc nội chiến hồi cuối thập niên 1940 và thiết lập một chính phủ đối nghịch với Hoa Lục. Bắc Kinh nhiều đe dọa dùng sức mạnh chiếm lại Đài Loan nếu những nỗ lực thống nhất trong hòa bình không mang lại kết quả.

Ông Mã Anh Cửu đã giảm bớt những sự kình địch giữa đôi bên kể từ khi lên nhậm chức năm 2008, qua việc đồng ý tiến hành những cuộc đàm phán đầu tiên về vấn đề kinh tế. Cuộc đối thoại đó đã dẫn tới chỗ ký kết 19 hiệp định và mang lại những sự tin tưởng mới giữa đôi bên. Trung Quốc hy vọng những hiệp định đó dọn đường cho mục tiêu thống nhất.

Hôm thứ Sáu, nhà lãnh đạo Đài Loan thừa nhận là đôi bên có thể thảo luận với nhau về một vấn đề chính trị nếu xem đó là một vấn đề đặc biệt khẩn cấp.

Ông Mã nói rằng nếu có một vấn đề thực sự cấp bách, Đài Loan có thể đề nghị thương thuyết trước. Ông nói thêm rằng hai bên giờ đây đang nói tới việc thành lập các tòa lãnh sự trên thực tế và tuy nội dung của việc này có tính chất trung lập nhưng thỏa thuận đó tự nó đã có một tính chất nhạy cảm rất cao về mặt chính trị. Ông Mã cho biết chủ trương của ông là phán xét tính chất cấp bách của vấn đề và mức độ mà vấn đề đó ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân.

Đài Loan và Trung Quốc chưa thiết lập cơ chế tiếp xúc ngoại giao chính thức, khiến cho Đài Bắc hồi tháng tư năm nay đòi thiết lập những văn phòng đại diện để xử lý những hoạt động thương mại và du lịch mỗi ngày một nhiều sau khi ký kết các hiệp định thương mại và đầu tư.

Ông Mã Anh Cửu cho biết đôi bên vẫn có thể đàm phán về các hiệp định thương mại, nhưng về vấn đề hiệp ước hòa bình thì việc thương thuyết chỉ được thực hiện khi nào có được sự đồng ý của dân chúng Đài Loan thông qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Một số chuyên gia e rằng Trung Quốc sẽ không muốn ký thêm hiệp định hợp tác kinh tế với Đài Loan nếu đảo quốc này trì hoãn việc giải quyết các vấn đề chính trị. Nhưng dường như ông Mã Anh Cửu không có lựa chọn nào khác, vì mức ủng hộ của dân chúng dành cho ông hiện nay chỉ ở mức 20% trong lúc một số người ở đây chỉ trích ông xích lại quá gần với Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG