Đường dẫn truy cập

Tổng Bí thư Trọng: Dân ‘phải phản đối’ nếu hệ thống chính trị ‘hư hỏng’


Tổng Bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng gặp cử tri 9/10/2021.
Tổng Bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng gặp cử tri 9/10/2021.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng mới đây lại thúc giục người dân giám sát và phản biện với hệ thống chính trị của đất nước. Tuy nhiên, dư luận cho rằng ông Trọng chỉ nói mỵ dân hoặc không thật tâm.

Báo chí trong nước đưa tin hôm 9/10 rằng Tổng Bí thư Trọng, người nắm quyền lực cao nhất theo cơ chế chính trị Việt Nam và cũng là đại biểu quốc hội, gặp gỡ gần 800 cử tri tại Hà Nội và được nghe những phát biểu từ một số cử tri bày tỏ “tin tưởng”, “ủng hộ” cuộc đấu tranh của đảng để chống tham nhũng, tiêu cực, và chủ nghĩa cá nhân.

Đáp lại các cử tri, ông Trọng nói rằng các ý kiến của họ “đều rất quý”, theo tường thuật của báo chí nhà nước.

Nhà lãnh đạo có thực quyền cao nhất của Việt Nam tiếp đến khẳng định: “Dân phải kiểm sát giám sát hoạt động của Đảng của Chính phủ của Quốc hội của cả hệ thống chính trị ra sao. Nếu làm đúng thì dân ủng hộ, nếu làm sai thì góp ý kiến, nếu hư hỏng thì dân phải phản đối để xử lý”, theo trích dẫn được đăng trên báo chí Việt Nam.

Trong vài ngày gần đây, nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội lời phát biểu kể trên của ông Trọng, nhưng kèm theo là những bình luận thêm cho rằng không thể tin được lời kêu gọi của vị tổng bí thư đảng, khi mà thực tế cho thấy nhiều người dân góp ý kiến hay phản đối hệ thống chính trị Việt Nam đã bị nhà chức trách quy chụp là phản động, có những người đã bị bắt bớ, bỏ tù.

Ông Nguyễn Lân Thắng, cử tri ở Hà Nội, cũng là một Facebooker hay lên tiếng phản biện xã hội có nhiều ảnh hưởng, nói với VOA:

“Có lẽ theo cái quán tính về tư duy của ông ấy, ông vẫn phải nói kiểu như vậy đối với người dân trên truyền thông chứ tôi cho rằng đó không phải là suy nghĩ thật tâm của ông ấy”.

Còn từ thành phố Hồ Chí Minh, cử tri Mạc Văn Trang, người cũng thường xuyên lên tiếng phản biện và có nhiều ảnh hưởng, đưa ra nhận xét:

“Ông Trọng chả sát gì thực tế, ông không biết trên Facebook người ta chỉ trích, người ta nói những gì, cho nên nhiều khi ông ấy nói rất buồn cười. Thể chế này là như vậy. Ông Trọng nói cho vui, mỵ dân vậy thôi, hoặc là ông ấy cũng chả biết thực tế nó thế nào. Người ta nói đúng sự thật thì ông quy ngay cho là bôi nhọ, xuyên tạc, thế lực thù địch”.

Trong những năm qua, các vị lãnh đạo khác nhau của Việt Nam, bao gồm cả ông Nguyễn Phú Trọng và các cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Tấn Dũng, không ít lần khẳng định người dân có quyền giám sát, phản biện bộ máy chính trị và kêu gọi người dân thực thi các quyền này.

Tuy nhiên, như VOA đã đưa tin, trong cùng thời gian, chính quyền Việt Nam liên tiếp bắt bớ và bỏ tù một loạt những người lên tiếng bình luận, chỉ trích về các chính sách và sự hoạt động của bộ máy chính trị và các quan chức Việt Nam, dẫn đến những phản đối từ phía Mỹ và một số tổ chức quốc tế cổ súy cho các giá trị dân chủ và quyền con người.

Mỹ và các tổ chức quốc tế nhiều lần chỉ ra rằng việc bắt bớ, bỏ tù đó của chính quyền Việt Nam đi ngược lại chính Hiến pháp, luật pháp và các phát biểu của các nhà lãnh đạo đất nước.

Với thực trạng đầy mâu thuẫn giữa những phát biểu và hành xử như vậy của chính quyền, giáo sư Mạc Văn Trang đưa ra ý kiến về những gì người dân có thể làm:

“Trong thể chế này, người dân tốt nhất chẳng nói gì cả [cười]. Nói lên sự thật là nói xấu, là thế lực thù địch. Ai phê phán họ thì họ bảo đấy là bôi xấu lãnh đạo, chia rẽ lãnh đạo. Ông Trọng nói như vậy thôi. Trong thế chế này, ai nói lên sự thật, phê phán những cái sai trái của họ, lập tức họ cho là thế lực thù địch, thậm chí họ còn khủng bố”.

Về phần mình, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng người dân Việt Nam vẫn có cách để lên tiếng bình luận, phản biện về chính trị và các vấn đề khác của đất nước.

Thứ nhất, ông gợi ý rằng nhiều người cần lên tiếng thay vì chỉ có một vài người, dễ bị trở thành mục tiêu để chính quyền dập tắt. Ông nói:

“Nên có cái cách gọi là ‘xa luân chiến’, tức là thay nhau bình luận về chuyện này về chuyện kia chứ không nên chỉ có một vài cây bút, một vài khuôn mặt nêu lên quan điểm, thái độ”.

Điều cũng rất quan trọng là văn phong và từ ngữ cần phù hợp để các thông điệp lan tỏa rộng rãi. Ông Thắng nói thêm:

“Mặc dù là phản biện song cách nói cũng không nên căng thẳng quá mà nên có cách nào đó hài hước. Quần chúng khi họ quan tâm, theo dõi các vấn đề, họ không có nhiều thời gian. Thường là người ta bị thu hút vào những bình luận, câu nói mang tính hài hước, nhẹ nhàng. Nghiêm trọng hóa vấn đề hay nói theo kiểu chính luận quá thì khó tiếp cận với quần chúng lao động”.

Việc Tổng Bí thư Trọng kêu gọi người dân giám sát, phản biện diễn ra đúng 5 tháng sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói trong một cuộc gặp cử tri ở thành phố Hồ Chí Minh rằng Việt Nam “luôn đề cao, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân” nhưng cũng giữ vững “kỷ cương, phép nước” và cho rằng nếu “dân chủ tào lao” thì “đất nước sẽ loạn”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG