Đường dẫn truy cập

Tiểu thương Việt ở Mỹ trông chờ gói cứu trợ và vaccine 


Các nhà hàng ở Mỹ mất khách vì Covid-19
Các nhà hàng ở Mỹ mất khách vì Covid-19

Kinh doanh khốn đốn vì dịch Covid-19 suốt gần một năm, tiểu thương Việt ở Mỹ đang trông đợi vào gói cứu trợ thứ hai của chính phủ và nhanh chóng triển khai vaccine để nền kinh tế có thể mở cửa bình thường.

Đà lây nhiễm virus corona đang tăng mạnh trở lại ở Mỹ khiến nhiều tiểu bang cân nhắc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát để chống dịch, trong đó tiểu bang California đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 10h tối đến 5h sáng và không cho các cơ sở kinh doanh tập trung đông người.

Trong lúc này, gói kích thích kinh tế thứ hai vẫn đang bế tắc ở Quốc hội Mỹ trong khi Tổng thống đắc cử Joe Biden đặt ưu tiên vào chống dịch và phục hồi nền kinh tế trong chương trình nghị sự của ông.

Biden lạc quan

Trong một cuộc họp trực tuyến với các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch hôm thứ Tư ngày 18/11, ông Joe Biden cam kết sẽ tập trung thúc đẩy gói kích thích kinh tế sau khi ông lên nắm quyền vào đầu năm sau.

Ông cũng bày tỏ lạc quan rằng phe Cộng hòa trong Quốc hội sẽ giải quyết những đề xuất của phe Dân chủ về việc hỗ trợ ngân sách cho chính quyền các tiểu bang và địa phương vốn đã bị khánh kiệt vì đại dịch một khi Tổng thống Trump rời Nhà Trắng. Ông Biden cho rằng các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội ngại ông Trump nên không chấp nhận yêu cầu này.

“Hy vọng sau khi ông ấy rời nhiệm sở, họ (các nghị sỹ Cộng hòa) sẽ sẵn sàng làm những điều họ biết là nên làm, phải làm để cứu các cộng đồng mà họ đang sống,” ông Biden được Newsweek dẫn lời nói tại cuộc họp trực tuyến.

Cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tin rằng cần có thêm gói kích thích để cứu nền kinh tế suy sụp do đại dịch, nhưng họ bất đồng về số tiền phân bổ cho chính quyền các địa phương. Bế tắc này đã khiến việc đàm phán gói kích thích bị đình trệ trong nhiều tháng.

Đã gần tám tháng kể từ khi Tổng thống Trump ký Đạo luật CARES để thông qua gói cứu trợ đầu tiên, các cuộc đàm phán về một gói cứu trợ khác đã kéo dài trong năm tháng mà chưa đạt thỏa thuận nào. Cả hai Đảng đều đổ lỗi cho nhau về việc không thể cứu trợ cho những người dân Mỹ đang phải chật vật trả tiền thuê nhà và mua nhu yếu phẩm trong lúc đại dịch hoành hành.

Đảng Cộng hòa cáo buộc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lợi dụng COVID để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của mình, trong khi phe Dân chủ chỉ trích Đảng Cộng hòa không muốn cấp đủ ngân sách.

Phát ngôn mới nhất của ông Biden cho thấy thỏa thuận cứu trợ có thể sẽ không thể đạt được cho đến năm sau. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy rằng người dân Mỹ đã mất hy vọng vào triển vọng sớm có thêm gói kích thích kinh tế.

‘Bị thiệt hại nặng’

Từ thành phố San Diego, bang California, ông David Châu, chủ nhà hàng Lotus Garden, nói với VOA ông ‘trông đợi vào gói cứu trợ kinh tế thứ hai’ để giúp cho nền kinh tế Mỹ phục hồi trở lại.

“Cũng giống như mọi người, chúng tôi đều mong muốn gói cứu trợ thứ hai sẽ được đưa ra để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ,” ông nói.

“Nếu nền kinh tế chạy tốt, thì tất cả mọi người đều ổn, còn nếu nền kinh tế không ổn thì tất cả chúng ta đều gặp khó khăn,” ông giải thích.

Ông cho rằng khi nền kinh tế Mỹ tốt lên thì người dân Mỹ có thể có việc làm trở lại. Nhiều người hơn sẽ đi ra ngoài và chi tiêu. Khi đó việc kinh doanh của ông cũng sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Châu cũng nói rằng ông không có hy vọng gói cứu trợ thứ hai sẽ có trong năm nay. “Giờ đã là cuối năm, mà còn vấn đề chính trị nữa, gói cứu trợ không thể nào được giải quyết xong trong ngày một ngày hai được,” ông nói.

Ông cho biết trong gói cứu trợ thứ nhất dành cho doanh nghiệp nhỏ (PPP – tức Bảo vệ Người làm công ăn lương), ông đã vay 30.000 đô la trong 5 tháng để trả tiền thuê mặt bằng, trả lương nhân công và các chi phí khác.

Sau khi bang California loan báo những hạn chế mới để chống dịch, ông Châu cho biết ông đã cho nghỉ việc thêm hai nhân viên vì ‘hiện giờ chỉ cho phục vụ khách mang đi nên không cần nhiều nhân viên nữa’.

“Rất khó khăn cho tôi khi phải cho nghỉ việc những người mà tôi thuê mướn chưa bao lâu,” ông nói và cho biết khi nào công việc kinh doanh tốt lên thì ông sẽ thuê họ trở lại.

‘Nên xúc tiến nhanh vaccine’

Mặc dù dịch tăng nhanh, ông Châu nói chính quyền ‘nên làm điều gì đó để không phải đóng cửa nền kinh tế’. Cách làm tốt nhất, theo ông, là xúc tiến nhanh chóng việc triển khai tiêm vaccine.

“Nếu không có vaccine, tôi không nghĩ nền kinh tế sẽ hồi phục,” ông phân tích. “Nếu vaccine được triển khai, nhiều người sẽ tự tin hơn để đi ra ngoài.”

Theo lời ông thì khách hàng của ông ‘thật sự sợ hãi’ nên không dám tới nhà hàng của ông nữa vì ‘họ nghe đồn dịch đang ngày càng tăng’.

“Ngay cả khi mình có làm sạch sẽ như thế nào thì một số khách hàng họ cũng không dám tới nữa vì họ sợ bệnh,” ông nói.

Ông cho biết trước tình hình kinh doanh của ông đã sụt giảm đến 60% trong giai đoạn phong tỏa. Sau khi bang California mở cửa lại thì doanh số nhà hàng ông đến tuần trước đã phục hồi bằng với mức trước khi có dịch. Với các lệnh hạn chế mới này thì giờ đây nhà hàng ông không được phục vụ bên trong nữa.

“Chúng tôi rất là khổ là vì cứ đóng mở, đóng mở,” ông than phiền nhưng cũng cho rằng nếu lần này mà California đóng cửa nền kinh tế để chống dịch lần nữa thì ông ‘sẽ tuân thủ’ vì lợi ích chung.

Ông cho biết đây là lần đầu tiên công việc kinh doanh của ông gặp khó khăn như vậy kể từ khi ông mở nhà hàng. Nhưng ông vẫn còn may mắn có thể xoay sở được vì ‘có đầu tư vào chứng khoán’ nên có tiền lời để duy trì hoạt động của nhà hàng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG