Pfizer và BioNTech có thể có được thẩm quyền phân phối khẩn cấp vaccine chống Covid-19 của họ “trước Giáng sinh” sau khi kết quả của đợt thử nghiệm cuối cùng cho thấy vaccine này đạt tỉ lệ thành công 95% và không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào, hai hãng dược hợp tác bào chế vaccine cho biết vào ngày 18 tháng 11.
Tính hiệu nghiệm của vaccine do Pfizer và BioNTech phát triển được nhận thấy là nhất quán ở khắp mọi lứa tuổi và sắc tộc - một dấu hiệu đầy hứa hẹn vì căn bệnh này đã gây tổn hại nhiều một cách bất xứng nơi những người cao tuổi và một số nhóm dân bao gồm người da đen, theo Reuters.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có thể cấp quyền sử dụng khẩn cấp cho vaccine vào khoảng giữa tháng 12, Giám đốc Điều hành BioNTech Ugur Sahin nói với Reuters TV. Ông nói thêm vaccine có thể nhận được sự chấp thuận có điều kiện ở Liên minh Châu Âu vào khoảng nửa sau của tháng 12.
“Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ tôi hình dung là chúng tôi sẽ có được sự chấp thuận vào nửa sau của tháng 12 và bắt đầu phân phối trước Giáng sinh, nhưng chỉ sau khi mọi thứ tiến hành thuận lợi,” ông nói.
Tỉ lệ thành công của vaccine được bào chế bởi công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức cao hơn nhiều so với tỉ lệ mà các nhà quản lý xem là chấp nhận được, Reuters cho biết. Các chuyên gia nói đó là một thành tựu to lớn trong cuộc đua chấm dứt đại dịch.
Tiến sĩ sinh hoá Nguyễn Ngọc Sỹ, chủ nhân phòng thí nghiệm NPA chuyên nghiên cứu về DNA, thuốc men, virus và vi khuẩn tại bang California, từng hợp tác với chính quyền liên bang Mỹ trong nhiều dự án, nói với VOA tỉ lệ thành công 95% của vaccine là một “tin tốt” vì theo kinh nghiệm của ông ít có loại vaccine nào được phát triển trong những năm gần đây đạt tỉ lệ thành công cao tương tự.
“95% là một kết quả khá cao, rất là cao đó chứ, tại vì từ năm 2004 cho tới giờ có nhiều kết quả còn thấp hơn con số đó [mà vẫn được FDA chấp thuận], vì vậy đó là một kết quả rất là tốt,” ông nói.
Nhà nghiên cứu gốc Việt này cho biết sau khi các thử nghiệm Giai đoạn 3 hoàn tất thì các nhà phát triển vaccine sẽ nộp đơn báo cáo về loại thuốc mới lên FDA để được thẩm duyệt trước khi họ sản xuất đại trà cho công chúng. Thông thường quá trình này kéo dài khoảng 10 tháng, ông nói, nhưng nó có thể được xúc tiến nhanh trong bối cảnh đại dịch.
“Thay vì họ chờ tới gần 10 tháng thì họ nộp đơn vô là FDA cứu xét ngay lập tức. Tuy nhiên họ vẫn phải thẩm duyệt những dữ liệu để coi những cuộc nghiên cứu có đúng quy trình hay không, có an toàn hay không,” ông giải thích.
“Những cái dữ liệu về khảo cứu hay nghiên cứu đi ra họ vẫn phải coi hết, coi có hợp lý hay không mà quan trọng nhất là độ an toàn. Nếu độ an toàn phù hợp thì họ sẽ chấp thuận ngay lập tức. Việc này có thể trong vòng một hay hai tháng.”
Tiến sĩ Sỹ cho biết một khi vaccine đã có được sự chấp thuận của các nhà quản lý liên bang rồi thì vấn đề còn lại là sản xuất và phân phối. “Việc này nhanh hay chậm là do các công ty,” ông nói thêm.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, Giám đốc Sahin của BioNTech cho biết họ sẽ nộp đơn xin cấp thẩm quyền sử dụng khẩn cấp (EUA) vào ngày thứ Sáu 20 tháng 11.
Ủy ban cố vấn FDA dự định họp từ ngày 8 đến 10 tháng 12 để thảo luận về vaccine này, Reuters dẫn một nguồn tin nắm rõ tình hình cho biết, nhưng thời điểm họp có thể thay đổi. FDA không hồi đáp yêu cầu bình luận, theo Reuters.
Phân tích thử nghiệm cuối cùng diễn ra một tuần sau khi kết quả ban đầu cho thấy vaccine đạt hiệu quả hơn 90%.
Trong khi đó, công ty dược Moderna đầu tuần này cũng công bố dữ liệu vaccine sơ bộ của họ cho thấy tỉ lệ hiệu nghiệm là 94,5%.
“Hiện chúng ta có hai loại vaccine an toàn và có tính hữu hiệu cao có thể được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cấp phép và sẵn sàng phân phối trong vòng vài tuần,” Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar nói hôm thứ Tư 18/11.
Các quan chức Mỹ cho biết vaccine của Moderna có thể sẽ được cấp phép trong vòng 7 đến 10 ngày kể từ khi Pfizer nhận được thẩm quyền sử dụng khẩn cấp và các tiểu bang sẵn sàng bắt đầu phân phối trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Kết quả khả quan hơn mong đợi từ hai loại vaccine đã khơi lên hy vọng đặt dấu chấm hết cho trận đại dịch đã làm thiệt mạng hơn 1,3 triệu người khắp thế giới, gây tổn hại cho các nền kinh tế và làm xáo trộn đời sống hàng ngày trên toàn cầu.