Hoạt động xây dựng lực lượng quân sự của Trung Quốc trên các đảo có tranh chấp ở Biển Đông đã gần hoàn tất và giúp cho kế hoạch của Bắc Kinh nhằm nhanh chóng phô trương sức mạnh trong khu vực. Đây là nhận định của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nêu ra trong một văn bản phân tích tình báo gửi đến Quốc hội hôm 23/2 và được trang tin USNI News của Viện Hải quân Mỹ đăng tải hôm 9/3.
Ông Clapper cho hay Trung Quốc đã gần hoàn tất các tiền đồn chính trên các đá hoặc đảo nhỏ nằm trong vòng tranh chấp của một số nước, trong đó có Việt Nam. Ông nói: “Căn cứ vào tốc độ và quy mô xây dựng các tiền đồn này, Trung Quốc sẽ có thể triển khai một loạt các năng lực tấn công và phòng thủ quân sự và trợ giúp cho sự gia tăng hiện diện của Hải quân và Tuần duyên của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2016”.
Ông bổ sung rằng “một khi các cơ sở này hoàn tất vào cuối năm 2016 hay đầu năm 2017, Trung Quốc sẽ có năng lực đáng kể để nhanh chóng phô trương sức mạnh tấn công quân sự rõ rệt trong khu vực”.
Phân tích tình báo này trái ngược hẳn với những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc rằng các hoạt động quân sự của họ ở Biển Đông có tính phòng thủ, hạn chế và không nhằm bá quyền quân sự trong khu vực.
Bản phân tích nhận xét: “Chúng tôi đánh giá rằng Trung Quốc đã thiết lập hạ tầng cơ sở cần thiết để thể hiện năng lực quân sự ở Biển Đông vượt mức cần có để phòng vệ cho các tiền đồn của họ”.
Ông Clapper cũng nói Trung Quốc có phần chắc sẽ tiếp tục xây dựng hạ tầng cơ sở ở các tiền đồn trên Biển Đông.
Đoạn phân tích này nằm trong phần không được phân loại là bí mật trong một bản phân tích chi tiết hơn gửi đến Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Thượng nghị sỹ John McCain. Ông McCain đã đề nghị phải có đánh giá về tác động của hoạt động xây đảo của Trung Quốc.
Tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói trong một bài phát biểu rằng các nỗ lực của Trung Quốc nhằm quân sự hóa Biển Đông đang làm tăng nguy cơ xung đột. “Các hoạt động này có tiềm năng tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột giữa các nước có tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc không được theo đuổi việc quân sự hóa ở Biển Đông. Các hành động cụ thể sẽ có các hậu quả cụ thể”, ông Carter nói.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Clapper nói trong văn bản kể trên rằng dường như Trung Quốc đang chuẩn bị cho việc triển khai chiến đấu cơ, hỏa tiễn địa đối không, hỏa tiễn chống hạm duyên hải tại các tiền đồn ở Biển Đông. Dự kiến cũng sẽ có thêm các tàu hải quân và tuần duyên của Trung Quốc được triển khai. Radar cảnh báo quân sự, bắt và bám mục tiêu cũng đang được bổ sung.
Trung Quốc đã tôn tạo 3.200 mẫu Anh trên các đảo nhân tạo và ông Clapper cho hay phân tích tình báo ước tính họ có thể tăng thêm 1.000 mẫu Anh trên các thực thể Chữ Thập, Vành Khăn và Subi. “Chúng tôi đánh giá thêm rằng các thực thể chìm ở 4 bãi cạn nhỏ hơn có đủ điều kiện cho việc bồi đắp”, ông nói.
Ông Clapper cũng cho biết Trung Quốc dường như đang xây dựng các kho nhiên liệu và cơ sở hậu cần tại các cảng trong quần đảo Trường Sa. Ông nói đến nay chưa thấy máy bay của không quân hay hải quân Trung Quốc ở vùng Trường Sa mặc dù máy bay dân sự đã hạ cánh trên Đá Chữ Thập hồi tháng 1. Tuy nhiên, ông nhận xét: “Căn cứ vào điều này, chúng tôi đánh giá rằng đường băng trên Đá Chữ Thập hoạt động bình thường và có thể tiếp nhận mọi máy bay quân sự Trung Quốc”.
Tháng trước, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris nói với các nhà báo rằng Trung Quốc đang ráo riết tìm kiếm bá quyền ở Biển Đông với việc sử dụng cái mà ông gọi là “các căn cứ quân sự” trên các đảo nhân tạo mới. Ông Harris cũng cảnh báo Trung Quốc chớ có thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng biển, một động thái ông cho là sẽ “gây mất ổn định và khiêu khích”.
Theo The Diplomat, USNI