Đường dẫn truy cập

Tỉnh Aceh của Indonesia sắp áp dụng luật Hồi giáo với người không theo đạo Hồi


Một phụ nữ ở Banda Aceh nhìn chồng của bà bị bằng roi vì đánh bạc, 5/12/14
Một phụ nữ ở Banda Aceh nhìn chồng của bà bị bằng roi vì đánh bạc, 5/12/14

Indonesia, quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới, có một hệ thống pháp luật dựa trên dân luật Hà Lan và những qui định của chính phủ Indonesia. Nhưng trong một thỏa hiệp với các phần tử đòi ly khai vào năm 2001, tỉnh Aceh ở miền bắc đảo Sumatra được phép áp dụng luật Shriah của đạo Hồi. Theo tường thuật do thông tín viên Steve Herman của đài chúng tôi ở thủ phủ Banda Aceh, sau hòa ước đó và trận sóng thần kinh hoàng đã phá hủy phần lớn thành phố này, việc thực thi công lý dựa trên tôn giáo đã mỗi ngày một nghiêm khắc hơn.

Một công tố viên dùng một cây roi đánh đập một người bị tòa xét có tội. Người đàn ông này và 5 người khác trong gia đình đã bị đánh công khai, mỗi người từ 5 tới 8 roi, về tội đánh bài ăn tiền tại một tiệm cà phê.

Những vụ trừng phạt như vậy đã gia tăng đáng kể ở Aceh trong thời gian gần đây, không chỉ nhắm vào những người phạm tội cờ bạc, mà còn nhắm vào nhưng người uống rượu và có những mối quan hệ nam nữ bị xem là bất chính. Những người phạm tội có quyền chọn là bị đánh, bị bỏ tù hay nộp phạt bằng vàng.

Những toán cảnh sát Shariah tìm bắt những phụ nữ ăn mặc thiếu kín đáo, như mặc quần áo bó sát người hay không đeo khăn choàng đầu. Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có thể bị bắt nếu để lộ đôi chân.

Những người tranh đấu cho dân quyền, như cô Ayu Ningsih, nói rằng luật Sharia không được ưa thích mà cũng không cần thiết ở Aceh, một nơi mà theo cô là “một nơi Hồi giáo 99%.” Cô nói:

"Các giới chức chấp hành luật Sharia giải thích luật này một cách sai lầm. Phụ nữ rốt cuộc đã trở thành mục tiêu chính của họ."

Cơ quan lập pháp ở Aceh mới đây đã chấp thuận những sự trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với nhiều loại tội phạm, trong đó có tội gian dâm và quan hệ tính dục đồng tính. Các nhà lập pháp tỉnh cũng biểu quyết để áp dụng luật Sharia đối với 90.000 người không theo đạo Hồi ở Aceh, kể cả những người nước ngoài.

Việc đó đã khiến nhiều người lo ngại là nếu vị tỉnh trưởng ký ban hành luật này thì những người theo Thiên chúa giáo sẽ không thể cử hành Thánh lễ của mình theo đúng nghi thức vì họ không được nhấp rượu thánh khi nhận Mình Thánh.

Về việc này, giáo sư Yusny Sabih, của Đại học Hồi giáo, cho biết như sau:

"Tôi nghĩ rằng họ có quyền cử hành lễ Nhận Mình Thánh hoặc bất cứ thứ gì mà họ muốn. Nhưng, dĩ nhiên, chuyện đó phải diễn ra bên trong cơ sở của họ. Bên trong nhà thờ, bên trong nhà ở, không có vấn đề gì cả. Nhưng đơn giản là không được ở ngoài đường. Nếu làm như vậy sẽ có vấn đề."

Không phải chỉ có những người theo Cơ đốc giáo mới cảm thấy bị đe dọa ở Aceh. Vị tỉnh trưởng trước đây của Aceh, vào năm 2011, tuyên bố rằng nhiều hệ phái Hồi giáo không thuộc giáo phái Sunni đang theo đuổi điều mà ông gọi là “những giáo lý sai lạc.”

Giáo sư Yusny Sabih cho biết như sau:

"Những nhóm khác nhau, những tông phái khác nhau, những trường phái khác nhau cùng có mặt ở đây. Nhưng, dĩ nhiên, chúng tôi không muốn có xung đột. Đó chính là lý do chúng tôi cần có sự giao thiệp, tiếp xúc với nhau. Tôi nghĩ rằng viên tỉnh trưởng hiện nay nhận thức được những mối căng thẳng này."

Một số người cũng lo ngại là xu hướng bảo thủ tôn giáo mỗi ngày một tăng sẽ khiến cho nhiều phần tử hiếu chiến rủ nhau kéo tới Aceh, nơi từng có những cuộc nổi dậy của phe Hồi giáo.

Và điều đó có thể làm nản lòng những nhà đầu tư muốn làm ăn ở tỉnh Aceh, nơi có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên -- như dầu lửa và khí đốt ở ngoài khơi, nhiều loại khoáng sản, cà phê và cao su. Đó là chưa kể tới việc những bãi biển hoang sơ của đảo Sumatra vẫn còn rất nhiều chỗ cho rất nhiều du khách.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG