Các thông tin tiết lộ việc Trung Quốc triển khai các hỏa tiễn địa đối không trên một hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông đã khơi ra một cuộc tranh luận gay gắt về những hậu quả dài hạn đối với an ninh khu vực.
Hôm nay, Australia và New Zealand đã góp tiếng vào điệp khúc ngày càng nhiều giọng nói lên quan ngại về căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh và Washington cáo buộc lẫn nhau là người khởi xướng.
Cảnh báo của Chủ tịch họ Tập
Phát biểu tại một cuộc họp báo với người đồng cấp New Zealand, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nêu ra rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố một trong những thách thức lớn nhất của Trung Quốc là bị rơi vào cái gọi là Bẫy Thucydides (bẫy chiến tranh tất yếu), trong đó một cường quốc đang trỗi dậy lại gây lo ngại cho các cường quốc khác, dẫn đến xung đột.
Thủ tướng Úc nói: “Nếu Trung Quốc muốn tránh bị sập Bẫy Thucydides, như Tập Chủ tịch mô tả, thì cần phải giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế, thông qua mọi cơ chế hiện có dành cho chúng ta”.
Thủ tướng New Zealand John Key và ông Turnbull nói điều quan trọng đối với các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là kiềm chế việc xây đảo cũng như quân sự hóa chúng.
“Bất cứ hoạt động gây náo động nào ở đó cũng rất tệ hại cho các vấn đề an ninh và kinh tế trong khu vực. Do đó theo tôi chúng ta phải tiếp tục thuyết phục các bên phải là họ phải tìm cách giải quyết tranh chấp một cách thân thiện và đúng luật”.
Các nhận định của các ông Key và Turnbull đã châm ngòi cho một phản ứng gay gắt từ phía Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi hôm thứ Sáu nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng: “Australia và New Zealand không phải là các nước liên quan đến vấn đề Biển Đông, và chúng tôi hy vọng hai nước này có thể nhìn vào lịch sử một cách khách quan”.
Trung Quốc đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, và tuy nước này không phải là bên đầu tiên xây đảo nhân tạo hay xây đường băng ở vùng biển có tranh chấp, song tốc độ và quy mô của việc lấn biển của Trung Quốc đã gây lo ngại cho nhiều nước trong khu vực, mặc dầu Bắc Kinh nhiều lần bảo đảm rằng họ sẽ không quân sự hóa vùng biển đó.
Theo Ngũ Giác Đài, Trung Quốc đã bồi đắp hơn 1.173 hecta đất ở Biển Đông kể từ năm 2013.
Trò đổ tội lẫn nhau
Những tiết lộ liên quan đến việc Trung Quốc triển khai hỏa tiễn được đưa ra hồi đầu tuần này, đúng lúc Tổng thống Obama sắp kết thúc hội nghị thượng đỉnh lịch sử với 10 lãnh đạo Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á ở Sunnylands, California.
Hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói việc lắp đặt hỏa tiễn “mới đây” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã đi ngược lại cam kết của Trung Quốc không quân sự hóa Biển Đông.
Tại một cuộc họp báo định kỳ, ông Kirby nói: “Phía Trung Quốc đã nói một đằng rồi dường như làm một nẻo. Chúng tôi không thấy có dấu hiệu gì là nỗ lực quân sự hóa này đã dừng lại. Và việc đó không có các dụng gì để tình hình ở đó ổn định và an ninh hơn. Trên thực tế, nó đang có tác dụng ngược lại”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Washington là phía có lỗi.
“(Mỹ) đã đưa khu trục hạm mang hỏa tiễn điều hướng và oanh tạc cơ chiến lược đến gần thậm chí vào sâu vùng biển và vùng trời của các đảo và bãi san hô của các đảo thuộc Nam Sa (Trường Sa) của Trung Quốc, và liên tục gây sức ép lên các nước đồng minh và đối tác thực hiện diễn tập”.
Ông Hồng Lỗi nói thêm những hành động như vậy không chỉ gia tăng căng thẳng ở Biển Đông mà còn quân sự hóa vùng biển tranh chấp.
Thông điệp chính trị
Cuối ngày thứ Năm, công ty cố vấn và tình báo toàn cầu Stratfor công bố bản phân tích mới về vụ triển khai hỏa tiễn, bao gồm cả những hình ảnh vệ tinh chi tiết hơn về các hoạt động quân sự trên đảo Phú Lâm.
Tuy nhiên, Stratfor lập luận rằng vụ triển khai “không nhất thiết phản ánh một sự leo thang lớn”.
Bản phúc trình này, được soạn với sự hợp tác của hãng AllSource Analysis, không chỉ tái xác nhận vụ triển khai hỏa tiễn địa đối không, mà còn cung cấp chi tiết về các nhà chứa chiến đâu cơ phản lực trên đảo và các tòa nhà có thể là kho vũ khí.
Trong phúc trình, Stratfor nêu ra rằng tuy hai khẩu đội hỏa tiễn địa đối không HQ-9 “mang lại năng lực quân sự đáng chú ý… song chúng được xếp quá gần nhau trên nền cát gần mép biển theo cách thức cho thấy chúng hoặc nằm trong khuôn khổ một hoạt động huấn luyện hoặc là một hình thức lộ liễu phô diễn sức mạnh”.
Stratfor nói thêm rằng nền cát mới được đắp, với các hình ảnh chụp hồi tháng 12 cho thấy hoạt động bơm hút cát.
“Vị trí của (việc triển khai) không có tính lâu dài: nền cát đã tan rã ở một số chỗ”, công ty nói. “Việc triển khai rất dễ thấy làm tăng khả năng là việc này có chủ ý gửi đi một thông điệp chính trị”.