Cư dân internet và blog cùng một số chiến sỹ dân chủ trong và ngoài nước vừa có cuộc trao đổi sôi nổi về một số bài viết về phiên tòa xử luật sư Cù Huy Hà Vũ, đặc biệt là về bài viết của nhà toán học Ngô Bảo Châu và những bài nhận xét phê phán bài viết này.
Góp ý, nhận xét, phê phán những bài viết công khai là quyền tự do của mọi người, nhất là của anh chị em dân chủ luôn có tinh thần xây dựng cho nhau; đó cũng là chuyện bình thường trong một xã hội phát triển, tự do. Các cuộc trao đổi tập trung vào bài viết của giáo sư Ngô Bảo Châu, bài phản biện của em Huỳnh Thục Vy, sinh viên luật ở Tam Kỳ; bài nhận xét của cô Nguyễn Tường An sống tại Pháp; và bài của nhà báo tự do Trương Duy Nhất sống ở Đà Nẵng trên mạng của ông mạng tên «Góc nhìn khác».
Theo thiển ý của tôi, bài của giáo sư Ngô Bảo Châu hay, tốt, khá độc đáo, bổ ích cho phong trào dân chủ; tấm lòng dấn thân cho giáo dục, cho tự do dân chủ của ông là rõ ràng. Ông được đào tạo tại trường lớp thực nghiệm, nơi khuyến khích tư duy mở, chủ động sáng tạo của người học, từng du học ở Pháp và Hoa Kỳ, lập kỳ công trong nghiên cứu toán học cao cấp.
Theo tôi, không nên lên án ông đã nhận nhà của nhà nước là sai, rồi suy luận là do hàm ơn nên không dám mạnh dạn phê bình chính quyền, phải loanh quanh, gượng nhẹ khi phát biểu. Nói vậy là suy diễn chủ quan, không công bằng, khách quan. Việc nhận nhà là quyền tự do của ông, cả gia đình ông đã nói rõ coi đây là tài sản của nhân dân, của xã hội, ông nhận sử dụng để cuộc sống riêng thuận lợi, việc nghiên cứu khoa học, tiếp bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên, học sinh, bạn ngành toán quốc tế thuận lợi, không phải do hưởng lạc cá nhân.
Sau khi nhận nhà của nhà nước để ở và làm việc nghiên cứu, ông vẫn kiên trì công khai yêu cầu phải chấm dứt ngay việc khai thác bauxite trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, ông vẫn biểu lộ lập trường vững vàng hết lòng ủng hộ Ls Cù Huy Hà Vũ và đã phát biểu ngay sau khi phiên tòa xử xong một cách «cẩu thả». Tôi cho rằng chữ «cẩu thả» của ông khá đắt, độc đáo, hóm hỉnh, lại mỉa mai nữa. Tòa án là nơi nghiêm trang, đàng hoàng, mọi sự phải chặt chẽ theo quy định nghiêm cách của từng điều luật, với quy trình xử theo lớp lang chính quy, từ khi khai mạc đến khi tuyên án và bế mạc. Vậy mà việc xử đã sơ sài, tùy tiện, không theo trình tự luật định, không công bố 10 tài liệu chứng cứ, không có biện hộ, cũng không có tranh biện, phớt lờ luật pháp một cách ngang nhiên, thế là «cẩu thả» như trò đùa. Cái ngụ ý sâu sắc như thế, sao lại cho là nhẹ, là không dám lên án mạnh, vì sợ mở miệng mắc quai.
Khi giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng quan tòa đã «sợ hãi», không dám trưng ra chứng cứ, không dám cho bị cáo trình bày, không để các luật sư biện hộ, không dám cho báo chí tham dự…đều là vì sợ, và sợ đủ thứ, sợ bị cáo, sợ luật sư, sợ công luận, sợ công khai, sợ thế giới. Mũi lên án này rất sâu. Vì thường tòa án là nơi đàng hoàng, nghiêm cách, đầy uy quyền và uy lực, có vành móng ngựa, có quan tòa đằng đằng quyền uy, áo đen áo đỏ, quân lính, súng ống ra oai, canh gác chặt chẽ, có toàn quyền sinh quyền sát dựa theo luật trong tay, thường chỉ làm cho bị cáo và người dân sợ. Thế mà ở đây quan tòa, bộ máy xét xử lại sợ hãi. Thế có ngược đời, có hiếm hoi, có độc đáo, có thú vị không.
Nhiều người cho rằng tại sao ông Ngô Bảo Châu không nói rõ nỗi sợ của lãnh đạo đảng và nhà nước, của Bộ Chính trị, những người chỉ đạo vụ xử án phi lý này. Tôi cho rằng không nhất thiết phải nói rõ, nói rõ được là càng tốt, nhưng ông có thể không nói ra, ông chỉ nói trong khuôn khổ phiên tòa. Ai cũng biết là phiên tòa được dàn dựng trước, với chỉ thị, nghị quyết bỏ sẵn trong túi áo theo kiểu tiền chế, «cái cẩu thả» coi thường luật pháp, coi thường công luận là căn bệnh từ trên cao nhất truyền xuống, không nói rõ thì ai cũng nhìn ra. Ý tại ngôn ngoại là thế. Mỗi người có cách nói cách viết theo phong cách riêng. Không nên buộc ai cũng phải viết đầy đủ ý, y như mình mong muốn. Có người viết xúc tích, gợi ý cho bạn đọc ngẫm nghĩ. Xin chớ vội nói thế là sai lầm, là do bệnh sợ hãi cường quyền, là yếu ớt, rồi phủ định cả bài viết có giá trị. Thế là vội, là không công bằng, là chủ quan, rơi vào cực đoan.
Nếu sợ cường quyền, giáo sư Châu đã không thể nói: «không gì có thể làm mất thanh danh, mất danh dự của đất nước, của dân tộc hơn là một phiên tòa như thế».
Cô Nguyễn Tường An, mới mào đầu bài «Ai sợ hãi? ông quan tòa hay giáo sư Ngô Bảo Châu?» đã cho rằng giáo sư Ngô Bảo Châu rất «ngây thơ về chính trị». Sao lại nói nặng thế!
Sau đó cô lại nói rằng giáo sư sợ hãi, «tá hỏa vì thấy dư luận thất vọng, phẫn nộ, coi thường ông» khi ông nhận nhà của nhà nước. Sao cô dùng chữ nặng nề đến thế? Giáo sư tỏ ra «sợ hãi,tá hỏa» ra sao? Ông vẫn bình tĩnh, chững chạc đấy chứ. Không nên nhận xét chủ quan, thiếu cơ sở, không công bằng với một trí thức dấn thân, có lập trường dân chủ rõ ràng. Xin nhớ giáo sư Châu đã nhận xét việc nhà nước cộng sản buộc báo chí phải nhất loạt đi bên lề phải rằng: «đi bên lề là thân phận của đàn cừu»! Một cách nói sâu sắc có hình ảnh cho cả người chủ trương cấm tự do báo chí và những người thực hiện, chấp hành.
Việc giáo sư nói: «Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ… lý lẽ ông không có tính thuyết phục đặc biệt», rồi nói tiếp: «nhưng gần đây, ông tỏ ra là không tầm thường», rồi ca ngợi Ls Cù Huy Hà Vũ như Hector trong chuyện cổ Hy Lạp và Kinh Kha trong truyện cổ Trung Hoa. Thế là ca ngợi đến tuyệt đỉnh rồi còn gì.
Tôi nghĩ giáo sư Châu đã rất thành thật với chính mình. Vì về lý lẽ, ông Cù Huy Hà Vũ đã có chung lý lẽ với hàng ngàn vạn trí thức và các nhà dân chủ khác, giáo sư cũng hâm mộ, cũng được thuyết phục nhưng sự hâm mộ không có gì đặc biệt. «Nhưng », quan trọng là chữ «nhưng» này, «nhưng gần đây», với những sự kiện mới, qua vụ án, Luật sư Cù Huy Hà Vũ đã tỏ rõ bản lĩnh, nhân cách, dũng khí mà giáo sư nhận ra là cao quý đặc biệt, để ví như anh hùng cổ Hector, như tráng sỹ «một đi không quay về..hề …Kinh Kha». Có sự khen ngợi nào hay, độc đáo, tuyệt đỉnh, «đặc biệt» đến vậy.
Tôi nghĩ với những đối tượng đấu tranh của mình, các chiến sỹ dân chủ vẫn cần giữ thái độ khách quan, công bằng, không suy luận theo cảm tính, càng không tùy tiện chụp mũ, vô tình mang tội vu cáo. Với các bạn dân chủ đồng hành, lại càng thận trọng, tránh phát biểu dễ dãi, tiếng bấc tiếng chì, dễ dãi tùy tiện, vô tình gây rối cho hàng ngũ mình, làm chính quyền độc đảng thích thú.
Riêng về bài viết «Ngô Bảo Châu và sự sợ hãi» của ông Trương Duy Nhất, tôi rất băn khoăn, không rõ ông là người có chính kiến ra sao, đứng trên lập trường nào, có xu hướng dân chủ rõ ràng không?
Ông từng là nhà báo, làm báo địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng thì phải, nay làm Blog riêng, mang tên «Góc nhìn khác». Ông thóa mạ các nhà dân chủ, gọi mỉa là «các nhà dân chửi», ông nhận xét trong hàng ngũ dân chủ, không một ai có tư duy đúng, cũng không ai có dũng khí cả. Trong khi có biết bao anh chị em dân chủ đáng quý trọng. Thế có là cực đoan không? Tuy ông nói là quý trọng giáo sư Ngô Bảo Châu, nhưng lại đưa tin là giáo sư là kẻ sợ hãi do bị lên án tới tấp bởi các nhà dân chủ, rằng cái blog «Người yêu toán» của giáo sư Châu chịu cả «núi mắng chửi» «rủa vả», «tràn ngập comment khủng, giận dữ», bị hàng «núi danh từ tục tĩu, hằn học», hàng núi bài trên mạng (!) từ các nhà dân chủ «sủi bọt mép»… Tất cả đều là nói quá, thêu dệt, không có thật.
Chưa hết, ông Trương Duy Nhất còn mỉa mai rằng phong trào dân chủ ở Việt Nam là không có triển vọng gì, người ta mong một kiểu cách mạng Hoa Nhài nhưng sẽ «chỉ có hoa cứt lợn».(!)
Cuối cùng ông mỉa mai chua cay sư Cù Huy Hà Vũ: «tôi nghe câu nói của ông Vũ trước tòa án ‘Nhân dân và Tổ quốc sẽ phá án cho tôi’ mà không nhịn đươc cười». Nay ai cười ai đây, thưa ông!
Tất nhiên ông Trương Duy Nhất có quyền tự do nói và viết, và cười... Nhưng ít nhất cũng xin ông tôn trọng sự thật và bạn đọc trên Net. Xin cho biết «hàng núi mắng chửi, rủa vả, hàng núi comment khủng » trên mạng, hàng núi danh từ tục tĩu, hằn học gửỉ cho giáo sư Ngô Bảo Châu là ở đâu vậy? Có thật không? Ông muốn có một «Góc nhìn khác» thì xin cứ việc, nhưng xin hãy là một blog, một mạng lương thiện, trung thực, một góc nhìn tự trọng và tôn trọng người đọc.
Giáo sư Ngô Bảo Châu đã đóng Blog của mình, tạm biệt bạn bè một thời gian. Thật đáng tiếc. Rất đáng tiếc vì blog của ông đang đông khách, rất bổ ích cho việc nghiên cứu toán học, cho các bạn trẻ.
Chắc là giáo sư không muốn sa đà vào những cuộc tranh cãi phức tạp sẽ chỉ rắc rối thêm, dễ làm phiền lòng những người trung thực có thiện chí, chỉ làm cho kẻ cầm quyền thô bạo và kẻ theo đuôi họ hý hửng. Đây là tư cách đàng hoàng của kẻ sỹ, không tự ái khi bị hiểu lầm, không dính vào chuyện cá nhân bị phiền toái. Sao ông Nhất lại chụp cho giáo sư là sợ hãi. Ông bênh giáo sư hay là trên thực tế vào hùa với những kẻ dìm và bôi bác giáo sư?
Mong rằng các bạn bè dân chủ tự do của giáo sư Ngô Bảo Châu, của luật sư Cù Huy Hà Vũ qua đây rút kinh nghiệm, biết đọc và thưởng thức, đánh giá tỉnh táo, khách quan, công bằng các bài viết của nhau, không vụng dại cắt xén, bắt bẻ từng câu, từng chữ, đặt ra ngoài văn cảnh, rồi tiếng bấc tiếng chì vội vã, tùy tiện, chỉ phơi bày sơ hở cho kẻ xấu phá rối và phá hoại, vô tình tiếp sức cho nhà cầm quyền đàn áp phong trào dân chủ đang lên, không có sức gì ngăn nổi.
* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.